Thứ bảy, 10/10/2020,16:48 (GMT+7)
"Thủy quái" 17 mét trong hầm mỏ: loài chưa từng thấy trên thế giới
"Thủy quái" này thuộc nhóm mosasaur, tức "thương long", nhưng đã tiến hóa kỳ dị để trở nên nguy hiểm hơn mọi loài thương long của thế giới cổ đại.
Tại một mỏ phốt phát ở Morocco, các thợ mỏ đã một phen kinh hoảng khi đào được một hộp sọ… dài tới 1 mét, sở hữu chiếc mõm kinh dị gần như cá sấu nhưng to lớn và đáng sợ hơn nhiều. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Alberta (Canada) đã tiếp quản hiện trường và phát hiện ra nó là một loài "thủy quái" hoàn toàn mới, chưa từng được lịch sử cổ sinh vật học ghi nhận.
Thủy quái 17 mét trong hầm mỏ: loài chưa từng thấy trên thế giới - Ảnh 1.
Chân dung loài "thủy quái" mới được khai quật - Ảnh đồ họa bởi Tatsuya Shinmura
 
"Thủy quái" được đặt tên là Gavialimimus almaghribensis, là loài thương long tiến hóa riêng biệt, đã thống trị vùng biển nay là Morocco cách đây khoảng 72 đến 66 triệu năm để rồi tuyệt chủng cùng loài khủng long.
 
Thương long cũng là bò sát như khủng long chứ không phải cá và là những kẻ săn mồi đáng sợ trong các vùng biển cổ đại. Riêng loài "thủy quái" mới này đã tự "nâng cấp" độ nguy hiểm bằng cách tiến hóa một chiếc mõm như mõm cá sấu và một thân hình tuy to lớn nhưng thuận lợi để bơi ở tốc độ cao. Răng của nó cũng rất to và đan vào nhau như răng cá sấu chúa.
Thủy quái 17 mét trong hầm mỏ: loài chưa từng thấy trên thế giới - Ảnh 2.
Hộp sọ dài 1 mét của con thương long - Ảnh: Catie Strong
 
Vì vậy, những con cá bơi nhanh nhất ở đây cũng thành miếng mồi ngon cho thủy quái. Tuy hài cốt hóa thạch của sinh vật mới này không được tìm thấy đầy đủ, nhưng các nhà khảo cổ đã kết hợp dữ kiện từ các loài thương long khác và tái hiện lại hình ảnh một con vật to lớn như cá voi, có vây như các loài khủng long biết bơi và chiếc đầu quái dị.
 
Đến nay đã có hơn 10 loài thương long được xác định khắp thế giới. Chúng có thể dài tới 17 mét và đều tụ hội ở vùng biển "thủy quái" Morocco này. Tại mỏ phốt phát nơi con thương long mới lộ diện, người ta cũng từng phát hiện nhiều hóa thạch kỷ Phấn Trắng khác.
 
Nghiên cứu vừa công bố trên Journal of Systematic Palaeontology.
 
Thu Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu