Sóc Trăng có tiềm năng lớn về các loại cây ăn trái đặc sản. Ảnh: THÚY LIỄU
Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu - Ngô Tường Vy chia sẻ: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp kết nối tiêu thụ trái vú sữa tím. Đây được xem là thành quả sau những ngày khó khăn trong khâu vận động và nhận được sự đồng thuận của bà con trong thay đổi phương thức sản xuất truyền thống. Giờ đây, khi đến các vườn cây vú sữa đều nhìn thấy vườn cây được bao trái trắng cả khu vườn, bởi người tiêu dùng đòi hỏi trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao hơn. Bên cạnh đó, trong điều kiện các tỉnh miền Tây đang ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thì vấn đề chuyển đổi cây trồng phù hợp cũng như phân chia vùng trồng nguyên liệu hợp lý là rất cần thiết. Vì vậy, tôi nghĩ Sóc Trăng nên nghiên cứu thổ nhưỡng vùng trồng, lựa chọn cây trồng phù hợp thời tiết cùng với tất cả mọi điều kiện để hình thành vùng trồng nguyên liệu vườn cây ăn trái lớn hơn, chất lượng cao hơn. Đồng thời, cần xây dựng 3 sản phẩm chính cho tỉnh Sóc Trăng mà tỉnh khác gặp khó khăn về sản phẩm đó để đầu ra trái cây tốt hơn. Ngoài ra, nhà vườn hợp tác với doanh nghiệp, cần nhìn nhận trên thị trường là cả hai cùng thắng, bởi việc liên kết là sự phối hợp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm trái cây Sóc Trăng đi được vào các thị trường nội địa và xuất khẩu…”.
Cũng là công ty liên kết thu mua sản phẩm trái cây phục vụ thị trường xuất khẩu của các hợp tác xã (HTX) tại tỉnh Sóc Trăng 3 năm qua, lãnh đạo Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, vẫn còn tình trạng một số thành viên của HTX chưa có sự đồng nhất trong khâu liên kết. Do đó, lãnh đạo HTX cần phải trao đổi, bàn bạc, thống nhất trong HTX khi doanh nghiệp đến thì liên kết thuận lợi hơn. Theo đó, trước ảnh hưởng dịch Covid-19, mặc dù đơn hàng có nhưng vận chuyển gặp khó. Tuy vậy, công ty vẫn sẽ đồng hành cùng HTX tìm hướng đi mới trong khâu liên kết để trái vú sữa tím xuất khẩu tốt.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh gần 32.000ha với các loại trái cây đặc sản như: xoài, bưởi, nhãn, vú sữa… trong đó một số diện tích cây ăn trái là cam, bưởi, nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu đã đạt tiêu chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích hơn 427ha, sản lượng ước hơn 9.650 tấn/năm. Bên cạnh đó, tỉnh đã xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu diện tích hơn 442ha, sản lượng ước hơn 9.000 tấn/năm. Song song đó, đã xây dựng 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây xoài, vú sữa, bưởi, nhãn cũng như tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Phó Giám đốc Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Nguyễn Thành Phước thông tin: “Để tiếp tục phát triển các loại cây ăn trái đặc sản trong thời gian tới, dự án sẽ tăng cường công tác phối hợp các địa phương, đơn vị chuyên môn vùng dự án để hỗ trợ thành lập mới HTX cũng như củng cố HTX phát triển thêm thành viên HTX nhằm mở rộng quy mô sản xuất của HTX trong vùng dự án và liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản để tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất. Đồng thời, dự án sẽ tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP và xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn cấp mã code phục vụ xuất khẩu; tổ chức liên kết các công ty ký kết hợp đồng tiêu thụ trái cây đặc sản của tỉnh phân phối trên thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, Hoa Kỳ…”.
THÚY LIỄU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)