Thứ ba, 04/08/2020,08:57 (GMT+7)
Tiền Giang sắp xếp lại sản xuất của hợp tác xã
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa bàn tỉnh hiện nay có 136 hợp tác xã nông nghiệp, thu hút hơn 38 nghìn thành viên. Các hợp tác xã phát huy tốt vai trò kinh tế hợp tác, thu hút nông dân, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa.
 
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của cơ sở sản xuất rau sạch Tiến Phát, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang). Ảnh: Ðỗ Tuấn
 
Trước yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang coi trọng phát triển kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, tỉnh triển khai nhiều chính sách ưu đãi kinh tế tập thể kết hợp chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế hợp tác. Ðồng thời, giải thể những hợp tác xã yếu kém, nhân rộng các mô hình hợp tác xã làm ăn hiệu quả, đóng góp tích cực trong quá trình đổi mới nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
 
Cụ thể, trong khuôn khổ Ðề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên minh hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020, Tiền Giang ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; thành lập mới, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã nông nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng...
 
Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp còn tiếp cận được nhiều chính sách hỗ trợ khác về đất đai, vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; hỗ trợ chế biến sản phẩm… Nhờ đó, có 75 hợp tác xã xây dựng được trụ sở riêng, 53 hợp tác xã được địa phương cho thuê đất nhưng không thu tiền; 12 lượt hợp tác xã nông nghiệp được vay vốn ưu đãi sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền hơn 18,5 tỷ đồng; có 34 hợp tác xã nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP…
 
★ Theo UBND tỉnh Bến Tre, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
 
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thúc đẩy khởi nghiệp. Tỉnh triển khai có hiệu quả đề án và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, giai đoạn 2020 - 2025.
 
Tỉnh nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp mới (ứng dụng công nghệ mới, nội dung số); nâng cao kiến thức khởi nghiệp.
 
5 năm qua, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre không ngừng phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Tính đến cuối tháng 6-2020, đã có 1.523 đơn vị trực thuộc và 2.302 doanh nghiệp thành lập mới, 321 doanh nghiệp khởi nghiệp. Ðến nay, tỉnh có hơn 4.700 doanh nghiệp, vốn đăng ký đạt 40.605 tỷ đồng; trong đó, 3.637 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký đạt 35.364 tỷ đồng (bình quân 9,72 tỷ đồng/doanh nghiệp).
 
Theo link - (nhandan.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu