Tổng thống Afghanistan Ghani. Ảnh: Reuters
Gần đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gây sức ép để Afghanistan chấp nhận thỏa thuận hòa bình với Taliban, trong bối cảnh hòa đàm tại Qatar đang rơi vào bế tắc. Theo đó, Washington đề xuất thay thế chính phủ do ông Ghani đứng đầu hiện nay bằng một chính phủ lâm thời, theo cơ chế chia sẻ quyền lực với Taliban.
Tuy nhiên, Tổng thống Ghani kiên quyết phản đối mọi giải pháp buộc chính phủ của ông từ chức mà không qua bầu cử. Nhà lãnh đạo Afghanistan cho biết sẽ công bố đề xuất của mình tại hội nghị hòa bình quốc tế diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 tới. Ngoài ra, theo một nguồn thạo tin, ông Ghani chỉ tham dự hội nghị nếu thủ lĩnh Taliban Haibatullah Akhunzada cũng góp mặt. “Phương án chúng tôi sẽ đưa ra bao gồm tổ chức bầu cử tổng thống sớm nếu Taliban đồng ý ngừng bắn”, một quan chức cấp cao trong chính quyền Afghanistan tiết lộ. Theo kế hoạch hòa bình của ông Ghani, Chính phủ Afghanistan sẽ đề nghị Liên Hiệp Quốc giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử để bảo đảm tính minh bạch.
Chính quyền ông Biden muốn các nước trong khu vực ủng hộ giải pháp kêu gọi Kabul và Taliban chia sẻ quyền lực. Thế nhưng mọi phương án của Washington được nhận định là sẽ bất khả thi nếu Tổng thống Ghani từ chối hợp tác. Mỹ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm giải pháp chính trị cho tình hình ở Afghanistan, trước hạn chót rút toàn bộ binh sĩ xứ cờ hoa trước ngày 1-5 tới. Đây là thời hạn theo thỏa thuận đạt được giữa chính quyền tiền nhiệm Donald Trump ở Mỹ và Taliban hồi năm ngoái, để đổi lấy việc nhóm phiến quân Hồi giáo này hợp tác với Kabul, ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào Washington và các đồng minh. Hiện vẫn còn 2.500 lính Mỹ đóng tại Afghanistan.
Mỹ xem lại kế hoạch rút quân
Song song đó, Mỹ cũng đang đánh giá kế hoạch rút hết quân trước tháng 5. Trả lời phỏng vấn Đài ABC hồi tuần trước, chủ nhân Nhà Trắng thừa nhận “khó” có thể rút quân kịp thời hạn, đồng thời đề xuất binh sĩ Mỹ có thể tiếp tục lưu lại Afghanistan sau ngày 1-5. Trong những tuần gần đây, nhiều nghị sĩ Mỹ cũng tỏ ra hoài nghi, cho rằng sẽ không thể rút hàng ngàn binh sĩ cùng lượng khí tài khủng khỏi Afghanistan chỉ trong hơn 1 tháng.
Phát biểu trong chuyến thăm trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 23-3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết Washington sẽ tham vấn với các đồng minh NATO về kế hoạch rút quân, động thái được cho là làm phức tạp thêm tình hình. “Chúng ta cùng nhau hòa giải và khi thời điểm thích hợp, chúng ta sẽ cùng nhau rời đi”, ông Blinken nói với báo giới. Phản ứng trước bình luận này, phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cảnh báo nếu Mỹ không tôn trọng thỏa thuận rút quân, họ sẽ xem xét những lựa chọn khác để “đuổi” binh sĩ nước ngoài ra khỏi Afghanistan.
Trước đó 2 ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bất ngờ công du Afghanistan. Lãnh đạo Lầu Năm Góc nói với các phóng viên rằng chính quyền ông Biden quan tâm đến một “kết thúc có trách nhiệm” cho cuộc xung đột tại nước này. Chuyến đi của ông Austin diễn ra giữa lúc trong dư luận có hàng loạt câu hỏi về chiến lược của chính quyền mới ở Washington liên quan đến cuộc chiến kéo dài 20 năm nay ở quốc gia Nam Á.
Hội nghị Mát-xcơ-va từ chối ý tưởng của Taliban
Lâu nay, Taliban coi chính quyền Ghani là “sản phẩm” từ cuộc xâm chiếm Afghanistan của Mỹ. Do vậy, nhóm phiến quân này muốn lật đổ chính quyền Kabul và tái áp đặt luật Hồi giáo như trong giai đoạn họ nắm quyền 1996-2001. Liên quan vấn đề này, hội nghị quốc tế do Nga làm chủ nhà hồi tuần rồi đã ra tuyên bố chung bác bỏ ý tưởng của Taliban về việc thành lập Vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan. Hội nghị đó có sự góp mặt của 4 quốc gia là đại diện chính gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ và Paskitan cùng với các phái đoàn Afghanistan và Taliban.
HẠNH NGUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)