“Ai tàu hũ không...?” đó là tiếng rao hết sức quen thuộc của cụ bà Tô Thị Y từ 13-14 giờ trưa mỗi ngày trên đoạn đường từ chùa Monivongsa (Phường 1, TP Cà Mau) đến trước cổng Bệnh viện Đa khoa TP Cà Mau.
Năm nay 81 tuổi, cái tuổi lẽ ra được vui vầy, an hưởng hạnh phúc bên con cháu nhưng cụ bà Tô Thị Y vẫn nặng gánh mưu sinh vì phải lo cho 3 đứa cháu ngoại đang tuổi ăn, tuổi lớn.
“Tiếng rao 4.0” hỗ trợ cụ bà Tô Thị Y, Phường 1, TP Cà Mau.
Mỗi đêm trước khi đi ngủ, bà Y ngâm đậu nành và sáng sớm lục đục xay đậu, rồi loay hoay nạo dừa thắng nước cốt, thắng nước đường gừng, làm hạt lựu. Tất cả các phần việc này bà đều làm một mình. Để nồi tàu hũ tròn vị, sóng sánh, bắt buộc phải nấu trên bếp củi và khuấy liên tục trong 2 giờ liền.
Mấy chục năm kiên trì với cái nghề không cực cũng chẳng nhàn đã giúp bà nuôi các con khôn lớn và nay là 3 đứa cháu đang tuổi cắp sách đến trường. Trung bình mỗi ngày, nếu bán hết một nồi tàu hũ tính cả vốn lẫn lời bà thu về khoảng 500.000 đồng. Để thêm phong phú thực đơn, gần đây, bà còn bán thêm sữa đậu nành, mỗi chai giá 10.000 đồng.
Hơn 60 năm, bất kể ngày mưa hay nắng, xe tàu hũ vẫn lăn bánh đều đều. Với bà Y, đây không chỉ là cái nghề giúp bà nuôi các con trưởng thành mà còn là niềm hạnh phúc được lao động ở tuổi xế chiều. Cà Mau những ngày mưa gió, vẫn thấy cụ bà đội nón lá, vận bộ đồ bà ba, bên ngoài là chiếc áo mưa mỏng dính kiên trì với nồi tàu hũ còn đầy. Món ăn vặt, ăn chơi, dễ ăn, dễ mua ấy vậy mà đôi khi cũng vắng khách.
Hiểu được hoàn cảnh bà Y, nhiều bạn trẻ quen biết từ trước thông qua mạng xã hội kêu gọi, mời mọi người ủng hộ. Những ngày như vậy bà cũng bán hết nồi nhưng thường thì đã chập choạng tối.
Khi chương trình "Tiếng rao 4.0" chọn bà Y làm nhân vật để ghi hình thì khắp các trang mạng xã hội, Youtuber của Color Man tràn ngập hình ảnh cụ bà Tô Thị Y với xe tàu hũ được giới trẻ và cộng đồng mạng quan tâm.
Ông Đỗ Văn Bửu Điền, Youtuber Color Man, người sáng lập chương trình, bộc bạch: “Tiêu chí chọn nhân vật của chương trình là những người bán hàng rong lớn tuổi, không đủ sức lao động, không sống nhờ vào con cháu, tự lực cánh sinh, thậm chí là những người khuyết tật nhưng vẫn miệt mài mưu sinh bằng chính sức lao động của mình. Ưu tiên những trường hợp phải nuôi con, lo cho cháu và trường hợp cụ bà Tô Thị Y hoàn toàn phù hợp”.
Chương trình còn gợi nhớ lại những tiếng rao truyền thống, xa xưa tưởng chừng đã mất dần theo thời gian nay được tái hiện lại, đặc biệt là mỗi nhân vật sẽ được hỗ trợ, giúp đỡ thông qua những mạnh thường quân. Chuyến “ra quân” bán hàng do chính nhân vật và ông Bửu Điền thực hiện trong khoảng thời gian từ 60-90 phút.
Cụ bà Tô Thị Y tại Cà Mau là nhân vật thứ 12 mà chương trình đã thực hiện hỗ trợ. Không riêng cụ bà Tô Thị Y mà tất cả nhân vật chương trình tìm đến trước đó có rất nhiều nguồn, chẳng hạn do chính ông Bửu Điền hoặc ê-kíp chương trình tìm thấy trong những lần đi đó đây trải nghiệm hoặc do khán giả trực tiếp giới thiệu về chương trình.
Tính nhân văn, khác biệt của "Tiếng rao 4.0" so với các chương trình thực tế khác là hỗ trợ nhân vật chính có được số tiền kha khá thông qua việc bán hàng và vận động được nhiều mạnh thường quân giúp đỡ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, không chỉ hỗ trợ trong lúc chương trình ghi hình mà "Tiếng rao 4.0" còn là cầu nối cho các hoạt động trợ lực về sau khi chương trình chính thức phát sóng.
Với nhân lực huy động nấu thành công 3 nồi tàu hũ và sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người, "Tiếng rao 4.0" thành công ngoài mong đợi khi cụ bà bán sạch 3 nồi tàu hũ. Bên cạnh đó, cụ bà Y còn nhận được hơn 30 triệu đồng từ phía các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh.
“Tôi đã đi khắp các tỉnh miền Tây để trải nghiệm và thực hiện chương trình. Riêng chương trình thực hiện tại Cà Mau mang lại cho tôi nhiều cảm xúc. Người Cà Mau rất dễ thương, rất hiếu khách, chương trình phải “vỡ trận” vì khán giả rất đông đến ủng hộ cho "Tiếng rao 4.0". Nhất định tôi sẽ quay về Cà Mau thực hiện tiếp chương trình này một ngày gần nhất”, ông Bửu Điền chia sẻ...
Yến Nhi - (baocamau.com.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)