Thứ bảy, 12/09/2020,22:07 (GMT+7)
Tiếp nối Tổng thống Trump, Nhà Trắng được đề cử giải Nobel Hòa bình
Nghị sĩ Thụy Điển Magnus Jacobsson ngày 11-9 đề cử chính phủ Mỹ và chính phủ Kosovo, Serbia cho giải Nobel Hòa bình 2021 về thành tích bình thường hóa quan hệ thương mại giữa Serbia và Kosovo
Trước đây là tỉnh của Serbia, Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 2008.
Chính trị gia Jacobsson nói: "Tôi đã đề cử chính phủ Mỹ, chính phủ Kosovo và Serbia cho giải Nobel Hòa bình bởi những hợp tác vì hòa bình và phát triển kinh tế, thông qua thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Nhà Trắng".
Nghị sĩ Jacobsson chia sẻ trên Twitter: "Thương mại và thông tin liên lạc là cơ sở xây dựng quan trọng cho hòa bình". Ông cũng đăng kèm bản sao đầy đủ của bức thư đề cử.
Tiếp nối Tổng thống Trump, Nhà Trắng được đề cử giải Nobel Hòa bình - Ảnh 1.
Tổng thống Donald Trump nhận đề cử giải Nobel Hòa bình 2021 thứ 2 trong tuần này về vai trò trong thỏa thuận giữa Kosovo và Serbia. Ảnh: AP
Tuần trước, các nhà lãnh đạo của Kosovo và Serbia gặp nhau tại Washington và vào ngày 4-9, ông Trump công bố một thỏa thuận "bình thường hóa kinh tế" giữa hai nước.
Các thành viên của chính quyền ông Trump ca ngợi thỏa thuận này mang ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận trên không khác mấy so với những gì đã đạt được trong tiến trình đàm phán hòa bình mà Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian. Tuy vẫn chưa công nhận Kosovo song Serbia tiếp tục đàm phán với nước này ở Brussels.
Trước đó, hôm 9-9, ông chủ Nhà Trắng nhận được đề cử Nobel Hòa bình 2021 từ thành viên Quốc hội Na Uy Christian Tybring-Gjedde cho vai trò trong thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Theo ông Trump, thỏa thuận hòa bình giữa Israel và UAE chỉ là bước khởi đầu cho nỗ lực lớn hơn của Mỹ nhằm giải quyết các cuộc xung đột kéo dài trên thế giới. Trong ngày 11-9, Tổng thống Trump thông báo Bahrain và Israel đã đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện. Ông Trump khẳng định "đây là một bước đột phá lịch sử", còn đài Fox News gọi là "chiến thắng ngoại giao nữa của Tổng thống Trump" ở Trung Quốc.
 
Ông Trump cũng dự đoán khu vực "sẽ trở nên an toàn và thịnh vượng hơn" nhờ vào kết quả của các động thái ngoại giao. "Cát từng một thời chứa đầy máu và bây giờ cát chất chứa hòa bình" – Tổng thống Trump nói, không quên nhấn mạnh thỏa thuận đạt được đúng vào dịp kỷ niệm 19 năm sự kiện 11-9-2001.
Tiếp nối Tổng thống Trump, Nhà Trắng được đề cử giải Nobel Hòa bình - Ảnh 2.
Người Palestine biểu tình phản đối các quốc gia Ả Rập bình thường hóa quan hệ với Israel. Ảnh: Reuters
Trong một tuyên bố bằng tiếng Do Thái, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông "rất xúc động" khi công bố thỏa thuận với Bahrain - một thỏa thuận theo ông đã "góp phần vào nền hòa bình lịch sử với UAE". Còn Bahrain cho biết họ ủng hộ một nền hòa bình "công bằng và toàn diện" ở Trung Đông.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Palestine hôm 11-9 lên tiếng chỉ trích việc các quốc gia Ả Rập quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel trong khi Israel tiếp tục chiếm đóng quân sự trên các vùng đất của Palestine. Tổ chức Giải phóng Palestine cho biết thỏa thuận Bahrain - Israel là "một nhát đâm nguy hiểm khác đối với Palestine".
Năm 2018, Tổng thống Trump cũng được nghị sĩ Na Uy Christian Tybring-Gjedde đề cử giải Nobel Hòa bình nhờ "các nỗ lực làm trung gian hàn gắn quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Tất cả chính trị gia cấp quốc gia và các nguyên thủ nhà nước được quyền đề cử giải Nobel Hòa bình.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu