Thứ sáu, 15/11/2019,09:27 (GMT+7)
Tiếp tục tăng cường phối hợp kiềm chế sốt xuất huyết
Tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Tính đến tuần 43 của năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 4.680 ca mắc SXH, tăng 2.599 ca (tương đương 124,05% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó có 3 ca tử vong.
 
Biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết cho thấy dịch bệnh diễn biến có chiều hướng phức tạp
Chiều hướng diễn biến phức tạp
TP.Cao Lãnh là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất tỉnh với 632 ca (tính đến ngày 3/11/2019), tăng 364 ca so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 15 ca SXH nặng. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã xuất hiện 314 ổ dịch. Khi phát hiện ổ dịch, Trung tâm Y tế (TTYT) thành phố kịp thời xử lý trong vòng 48 giờ nhằm hạn chế lây lan. Ngành y tế địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao ý thức tự giác trong phòng, chống SXH. Nhưng đến nay việc kiềm chế SXH trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn.
 
Tại huyện Hồng Ngự, tính từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức 6 đợt ra quân diệt lăng quăng tại 11/11 xã, thị trấn (3 đợt từ kinh phí cấp tỉnh, còn lại do huyện cấp kinh phí). Theo đó, các địa phương huy động cán bộ, cộng tác viên y tế xuống từng hộ dân, khu vực có người mắc bệnh SXH và có nguy cơ bùng phát dịch bệnh SXH tổ chức diệt lăng lăng, phun xịt hóa chất, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH... Dù vậy, số ca mắc SXH của huyện vẫn còn cao, tính đến đầu tháng 11/2019, địa phương đã ghi nhận 562 ca mắc SXH, trong đó có 33 ca nặng (tăng 264 ca so với cùng kì) và 1 trường hợp tử vong.
 
Ngoài ra, các huyện: Cao Lãnh, Thanh Bình, Lai Vung đều có số ca mắc SXH tăng cao so với năm 2018. Trước tình hình số ca mắc SXH liên tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) và TTYT các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện chiến dịch “Nhà nhà diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống dịch bệnh SXH” năm 2019. Thông qua các phương tiện truyền thông tại tuyến huyện, tuyến xã tổ chức tuyên truyền thường xuyên nhằm khuyến cáo người dân thực hiện diệt lăng quăng/bọ gậy phòng, chống bệnh SXH, đồng thời bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cán bộ, nhân viên y tế cơ sở đã vãng gia vận động các hộ gia đình cam kết diệt lăng quăng; loại bỏ dụng cụ chứa nước có lăng quăng và thả cá diệt lăng quăng, thu gom vật dụng phế thải, hạn chế môi trường muỗi sinh sản...
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Y tế, kết quả thực hiện 2 đợt chiến dịch diệt lăng quăng chưa đạt hiệu quả, tình hình dịch bệnh SXH vẫn tiếp tục tăng cao và diễn biến có chiều hướng phức tạp. Đặc biệt, từ tuần thứ 35 đến nay, bình quân mỗi tuần tỉnh có trên 300 ca SXH mắc mới. “SXH năm 2019 tăng nhiều ở hầu hết các tỉnh, thành phố cả nước, nhất là khu vực Nam bộ. Dịch bệnh tăng từ đầu năm và diễn biến có chiều hướng phức tạp vào mùa mưa (tháng 8 đến tháng 10). Hiện nay, SXH xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, phổ biến ở trẻ em. Thời gian qua, ngành y tế toàn tỉnh đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp tăng cường phòng, chống nhưng vẫn chưa kiềm chế, kéo giảm dịch bệnh SXH” - ông Nguyễn Lâm Thái Thuận, Giám đốc Sở Y tế nhận định.
Cán bộ y tế phun hóa chất, xử lý ổ dịch
Cần sự phối hợp kiềm chế sốt xuất huyết
Nhằm đề ra các giải pháp, kiềm chế dịch bệnh, giảm thấp nhất tình trạng tử vong do SXH, Sở Y tế vừa tổ chức cuộc họp khẩn tăng cường công tác phòng, chống SXH với sự tham gia của lãnh đạo TTKSBT, các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và TTYT các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, đánh giá hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch SXH đã triển khai trong thời gian qua, rút kinh nghiệm các ca tử vong do SXH, các giải pháp phối hợp trong phòng, chống SXH trong thời gian tới. Đại diện TTYT các địa phương trong tỉnh đã nêu những thực trạng, nguyên nhân dẫn đến việc phòng, chống SXH chưa hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Có – Giám đốc TTYT TP.Cao Lãnh cho rằng, hiện nay một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, thờ ơ trong việc chủ động phòng, ngừa SXH.
 
Khi đến từng hộ, có các gia đình thường xuyên vắng nhà, nên cán bộ y tế rất khó khăn trong việc tuyên truyền và thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, phun hóa chất... Đó là một trong những nguyên nhân làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn chưa đạt hiệu quả cao.
 
Thực hiện mục tiêu kiềm chế SXH thời gian tới, ông Phan Thanh Tùng – Giám đốc TTYT huyện Cao Lãnh nêu rõ: “Trước tình hình dịch bệnh tăng và diễn biến khó lường, công tác phòng, chống dịch bệnh cần quyết liệt hơn và cần đến sự phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan truyền thông chứ không riêng gì ngành y tế. Ngoài ra, mỗi người dân cũng phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tại gia đình như: làm vệ sinh môi trường; đổ bỏ nước đọng trong các vật phế thải quanh nhà hay thả cá nhỏ ăn lăng quăng...”.
 
Theo ông Trần Văn Hai – Giám đốc TTKSBT tỉnh, đa số người dân hầu hết đã có kiến thức về SXH, nhưng chưa có thói quen thực hiện theo những biện pháp phòng, chống là diệt lăng quăng, diệt muỗi. Chính quyền, ban, ngành một số địa phương chưa tham gia tích cực, hết trách nhiệm. Đặc biệt, hoạt động của nhân viên y tế cơ sở chưa hiệu quả do quá tải khi đảm nhận nhiều nhiệm vụ... Vì vậy, bên cạnh vai trò chủ đạo của ngành y tế, công tác phòng, chống SXH cần có sự chung tay phối hợp của chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân.
 
Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống SXH trong thời gian tới, ông Nguyễn Lâm Thái Thuận – Giám đốc Sở Y tế đề nghị các đơn vị trực thuộc có kế hoạch phun hóa chất trên diện rộng; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt chú trọng tuyên truyền tại các điểm trường, qua đó nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân trong việc chung tay tham gia phòng ngừa SXH. Trong công tác điều trị, cần phát hiện sớm và có phát đồ điều trị SXH hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu năng của hệ thống hội chuẩn điều trị từ xa của ngành y tế tỉnh nhà để hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong...
 
Trước tình hình dịch bệnh SXH diễn biến có chiều hướng phức tạp, vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện khẩn cấp chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy); yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tích cực hỗ trợ công tác chuyên môn cho bệnh viện, TTYT tuyến huyện, hạn chế tối đa trường hợp tử vong do SXH. UBND huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia và vận động người dân vệ sinh môi trường, tiến hành loại bỏ các vật dụng phế thải để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; huy động người dân diệt lăng quăng (bọ gậy) để phòng, chống bệnh SXH.
LÊ THANH - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu