Thứ bảy, 19/08/2023,22:18 (GMT+7)
Tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định nhà giáo là tài sản quý nhất của ngành giáo dục. Lãnh đạo bộ sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên
 
Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn có cuộc gặp gỡ, trao đổi với 1 triệu giáo viên (GV) trên cả nước ngày 15-8. Sự kiện được tổ chức trực tuyến với điểm cầu chính được đặt tại trụ sở cơ quan Bộ GD-ĐT, kết nối với các tỉnh, thành qua 63 điểm cầu của các Sở GD-ĐT và hơn 400 điểm cầu của các ĐH, trường ĐH.
 
Hãy trải nghiệm một ngày làm GV mầm non!
Thẳng thắn trao đổi những khó khăn của GV hiện nay, cô Lê Thị Tuyết Hường, GV mầm non ở tỉnh Điện Biên, cho hay: "Theo quy định là 8 giờ/ngày nhưng thực tế chúng tôi đang phải làm việc 10 giờ/ngày. Tôi tin rằng ai đó chỉ cần trải nghiệm một ngày làm GV mầm non sẽ hiểu được áp lực nặng nề của chúng tôi". Cô giáo này cũng đề cập đến những khó khăn khi đi dạy tại các điểm trường lẻ, nhiều điểm trường ở rất xa trung tâm mà chưa có kinh phí hỗ trợ việc đi lại. Bên cạnh đó, hiện nay tuổi nghỉ hưu của GV mầm non cũng đang được xác định như những ngành nghề khác. Độ tuổi nghỉ hưu trên 50 tuổi của GV mầm non là không phù hợp, cần được xem xét.
 
Tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời câu hỏi của nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống Trường Chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Hà Nội.Ảnh: MINH THU
 
Cô Lý Thị Trinh Nguyên - GV mầm non ở thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cũng cho rằng trung bình mỗi ngày, GV mầm non làm việc từ 10 - 12 giờ, về đến nhà gần như kiệt sức. Dù vất vả, áp lực nhưng mức ưu đãi theo nghề hiện nay thấp so với công sức các thầy cô bỏ ra - chỉ 35%. Thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua, có rất nhiều GV mầm non không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác. Do đó, GV này mong được tăng mức phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 70% giống như các trường chuyên biệt để yên tâm công tác.
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Chính phủ đã giao Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành; trước hết cân nhắc để có thể nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.
 
Bước đầu, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho GV mầm non lên 10%, GV tiểu học tăng thêm 5%. "Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho GV mầm non, tiểu học" - Bộ trưởng chia sẻ.
 
Liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của GV cấp này, Bộ trưởng cho biết Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm Xã hội. Trong góp ý luật này, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa GV mầm non vào đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu. Người đứng đầu ngành giáo dục cũng bày tỏ mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho GV tất cả các cấp học nhưng triển khai trước đối với mầm non, tiểu học, sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
 
Điểm vướng nhất là dạy môn tích hợp
Trước những băn khoăn về yêu cầu dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, các GV được đào tạo đơn môn phải dạy liên môn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận điểm vướng nhất khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là dạy các môn tích hợp.
 
Theo Bộ trưởng, đây là điểm mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Khi thiết kế chương trình, chúng ta mong muốn phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương, cơ sở giáo dục, GV đang gặp phải một số khó khăn nhất định. Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có GV còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp bậc THCS. Riêng bậc tiểu học vẫn kiên trì các môn tích hợp này.
 
Bộ trưởng cho biết sẵn sàng điều chỉnh chương trình để phù hợp với thực hiện, song sẽ không gây ra xáo trộn, ảnh hưởng tới những giáo viên đã tham gia tập huấn đào tạo để dạy tích hợp. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay sẽ tham khảo ý kiến chuyên gia, xem xét điều chỉnh việc dạy các môn tích hợp bậc THCS.
 
Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ không gây ra bất ngờ, "sốc". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay chủ trương là sẽ thay đổi nội dung câu hỏi, nội dung thi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phương án thi hướng đến sự phù hợp với lứa học sinh chưa trải nghiệm toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, mà chỉ bắt đầu ở bậc THPT. Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 vào quý IV năm nay.
 
Kiến nghị cấp bù kinh phí đại học
Trong buổi chiều, trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, TS Trần Trọng Đạo, Trường ĐH Nha Trang, cho hay vì thu nhập, nhiều viên chức người lao động công tác tại trường ĐH xin thôi việc, trong đó không ít người có trình độ cao. Những người đang tiếp tục công tác dành thời gian, trí tuệ, tâm huyết để làm việc khác ngoài công việc chính, như buôn bán bất động sản và bán hàng online. Hệ quả tất yếu là chất lượng giáo dục ĐH bị ảnh hưởng.
 
Cũng về chế độ chính sách với giảng viên, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ - Trường ĐH Y Hà Nội, cho biết giảng viên trường y vừa làm việc tại bệnh viện vừa làm việc tại trường, trách nhiệm nặng nề, khối lượng công việc lớn và nặng nhọc nhưng chế độ chính sách hiện đại chỉ cho họ nhận một loại lương và phụ cấp cho cả hai việc. Điều này dẫn tới một đội ngũ giảng viên y khoa xin ra khỏi cơ sở công lập để chuyển sang giảng dạy tại cơ sở tư nhân. Ông Phạm Ngọc Minh mong muốn Bộ GD-ĐT có chế độ chính sách phù hợp với tính đặc thù của ngành để giúp đào tạo ra các cán bộ y tế ưu tú nhất.
 
Phản hồi những ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định vấn đề thu nhập của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động, cần tính toán để bảo đảm cuộc sống. Thực tế cho thấy thu nhập của giảng viên chưa thực sự cao do nhiều nguyên nhân. Trong Nghị quyết 29 nêu định hướng, tiến tới GV sẽ có bảng lương riêng cao nhất trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
 
"Hiện Chính phủ yêu cầu các trường thực hiện tạm lùi thời hạn tăng học phí theo Nghị định 81 để chia sẻ khó khăn với người dân. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kiến nghị nhà nước cấp bù kinh phí cho các nhà trường để bảo đảm chất lượng hoạt động" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay. 
 
Bất cập ở chương trình mới
 
Cô Vũ Thị Ngọc Tình - GV Trường THPT Lưu Hoàng (Ứng Hòa, Hà Nội) - cho rằng cuộc gặp gỡ là sự kiện gần như chưa từng có tiền lệ khi có một bộ trưởng gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu nhà giáo trên cả nước.
 
Hiện tại cơ cấu đội ngũ GV theo cấu trúc của Chương trình giáo dục 2006 không đồng nhất với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Số tiết ở các môn học có sự khác nhau giữa hai chương trình gây khó khăn cho việc phân công, sắp xếp đội ngũ GV. Ngoài ra, một số môn học tăng như tin học, ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc cấp tiểu học, số tiết dạy ở tiểu học và THCS tăng so với trước đây nên việc thực hiện tối đa định mức GV/lớp như hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
 
Chúng tôi mong muốn Bộ GD-ĐT sớm ban hành Thông tư sửa đổi định mức GV/lớp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời có cơ chế cụ thể về giao quyền tự chủ về đội ngũ cho mỗi nhà trường trong việc thực hiện chiến lược phát triển của mình, đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập của học sinh.
 
Cân nhắc giảm bớt các cuộc thi
Tại chương trình gặp gỡ các nhà giáo, ý kiến của nhiều GV từ các điểm cầu cũng bày tỏ: Hiện nay nhiều cuộc thi, phong trào ở trường học nặng hình thức, không thực sự cần thiết, khiến GV thêm áp lực. Cô Thuận Ánh, GV ở tỉnh Cà Mau, cho rằng việc tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học ở khối THCS là chưa hợp lý với trình độ học sinh, có ý kiến cho rằng như vậy vừa hình thức, bệnh thành tích, tốn kém, vất vả cho đội ngũ. Do đó, đề nghị Bộ trưởng xem xét giảm tải các cuộc thi không cần thiết để GV tập trung nhiều hơn cho chuyên môn dạy học...
 
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo về mặt thống nhất số lượng các cuộc thi trong năm, đồng thời cũng quy định danh mục các cuộc thi của ngành tổ chức. Do đó, các cuộc thi của ngành, các trường cần quan tâm thực hiện. Mặt khác, danh mục các cuộc thi đã được ban hành, do đó việc giảm hay bớt các cuộc thi nào cũng phải rất cân nhắc. Còn đối với các cuộc thi khác, các địa phương, các trường cân nhắc tham gia. Đặc biệt, hiệu trưởng cần có vai trò quan trọng trong vấn đề này, không nên tham gia quá nhiều cuộc thi mang tính chất chồng chéo, hình thức sẽ gây vất vả cho GV và học sinh.
 
Đ.Trinh
 
Yến Anh (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu