Những ngày qua, dọc theo kênh Chợ Gạo ở Tiền Giang, đâu đâu cũng nghe người dân bàn tán rôm rả về thông tin dự án nâng cấp tuyến kênh này giai đoạn 2 vừa được triển khai.
Một đoạn kênh Chợ Gạo bị sạt lở nghiêm trọng
Phấn khởi, "vui như Tết"
Bà Nguyễn Thị Hà - ngụ xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo - cho biết từ trước đến nay, mỗi khi đêm xuống, nhiều người sống ven kênh Chợ Gạo không dám ngủ vì thỉnh thoảng lại có đoạn bị sạt lở.
"Nghe tiếng sóng to là nhiều người vội thức giấc vì lo sợ nhà mình bị "nuốt" bất cứ lúc nào. Cuối tuần rồi, nghe tin dự án đã triển khai, chúng tôi rất phấn khởi. Mong rằng Tết này, người dân sẽ đón năm mới trong an vui, không còn sống trong nỗi sợ hãi" - bà Hà bày tỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, kênh Chợ Gạo xuất hiện rất nhiều đoạn sạt lở ở các xã Bình Phục Nhứt, Quơn Long, Tân Thuận Bình và Hòa Định. Một số đoạn sạt lở sâu vào đến 2 m, chiếm phân nửa chiều ngang tuyến đường ven kênh.
Dọc tuyến đường phía Đông bờ kênh Chợ Gạo, nhiều đoạn sạt lở đã được người dân dùng cừ tràm đóng xuống để làm giảm sóng vỗ vào bờ. Chị Trần Thị Ánh, ngụ xã Hòa Định, cho hay tuyến đường này xuất hiện dấu hiệu sạt lở nhiều, có đêm ngủ dậy đã thấy mất đi một đoạn.
"Người dân bỏ công gia cố nhưng không ăn thua gì. Sống thấp thỏm lắm vì nhiều con sóng lớn có khả năng gây sạt lở làm mất đường đi. Khi biết dự án đã triển khai, chúng tôi mừng như Tết" - chị Ánh hồ hởi
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, kênh Chợ Gạo được đào từ lâu nhưng đến những năm 1900 mới đi vào hoạt động. Kênh Chợ Gạo là tên gọi chung của tuyến đường thủy dài khoảng 28,6 km, qua địa phận 2 huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Kênh Chợ Gạo được chia làm 3 đoạn: Rạch Lá dài 10,2 km, Chợ Gạo dài 11,6 km và Rạch Kỳ Hôn dài 6,8 km.
Năm 2013, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp kênh Chợ Gạo với chiều dài toàn tuyến 27,2 km, từ Rạch Tràm đến ngã ba sông Tiền đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa và có mở rộng. Dự án được khởi công năm 2013 với tổng kinh phí 2.263 tỉ đồng. Giai đoạn 1 của dự án thực hiện đến năm 2015 với kinh phí 787 tỉ đồng, nạo vét 17,2 km luồng đạt chuẩn cấp II đường thủy nội địa.
Đến tháng 9-2020, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỉ đồng. Dù phê duyệt đã hơn một năm nhưng vừa qua, giai đoạn 2 của dự án mới được triển khai cụ thể.
Việc nâng cấp, mở rộng kênh Chợ Gạo sẽ góp phần đưa nông sản từ miền Tây lên TP HCM nhanh chóng hơn
Khơi thông vận chuyển nông sản
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết mỗi ngày, khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn đi qua kênh Chợ Gạo, lúc cao điểm lên đến 1.800 lượt. Tuy nhiên, theo Phòng Hạ tầng - Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, số liệu thực tế có thể còn cao hơn, cần có sự tính toán, thống kê lại.
Chính việc gia tăng lượng phương tiện lưu thông qua kênh Chợ Gạo đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, xảy ra các sự cố va chạm, lật tàu thuyền. Đặc biệt, tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, kênh Chợ Gạo là tuyến đường thủy huyết mạch nối liền các tỉnh, thành miền Tây với TP HCM. Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sau khi thực hiện sẽ khơi thông, mở rộng con kênh này, tạo điều kiện cho tàu thuyền lưu thông dễ dàng, nhanh chóng đưa hàng hóa, nông sản từ miền Tây lên TP HCM và ngược lại.
Ngoài ra, dự án này còn giúp chỉnh trang, bảo vệ bờ kênh và đường dân sinh, làm đẹp cảnh quan kênh Chợ Gạo. "Không riêng gì người dân, chính quyền địa phương cũng mong đợi dự án này từ lâu vì nó sẽ góp phần phát triển kinh tế đường thủy một cách nhanh chóng" - ông Hưởng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết dự án sẽ nạo vét, mở rộng; sau khi cải tạo, đoạn này đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.
Dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023. Để triển khai thi công, UBND huyện Chợ Gạo đã tiến hành áp giá đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng 5 khu tái định cư nhằm sớm ổn định đời sống của hơn 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án này vào khoảng 683 tỉ đồng.
Tập trung cao độ thực hiện dự án
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho rằng việc nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ năm 2016 đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường thủy nội địa độc đạo nối ĐBSCL với TP HCM. Dự án này còn bảo vệ bờ Bắc kênh Chợ Gạo, chống xói lở, bảo đảm ổn định đời sống của người dân dọc những đoạn đã thực hiện đầu tư.
Thứ trưởng yêu cầu ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công, tư vấn tập trung cao độ để thực hiện giai đoạn 2. Trong quá trình thi công phải bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn phòng dịch, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng.