Thứ tư, 04/09/2019,08:45 (GMT+7)
Tình hình tội phạm, tham nhũng còn phức tạp
Tính từ ngày 1-10-2018 đến 31-7-2019, cả nước xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự; 14.509 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng

Sáng 3-9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 13 (diễn ra đến ngày 6-9).

Tại phiên họp này, Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; báo cáo công tác của ngành kiểm sát, ngành tòa án năm 2019; báo cáo công tác thi hành án; thẩm tra đối với 2 dự án luật: Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Trong phiên khai mạc, trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong năm 2019, nhờ bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, công tác này được triển khai toàn diện, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Theo đó, trong năm 2019, đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự về trật tự xã hội, các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt, trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen; qua phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 0,78% số vụ phạm pháp hình sự, nhiều loại tội phạm như tội giết người, hiếp dâm, trộm cắp tài sản, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc, tổ chức đánh bạc… được kéo giảm.

Dù vậy, theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tình hình tội phạm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tính từ ngày 1-10-2018 đến 31-7-2019, cả nước xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự. Đáng lưu ý là xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, tàn bạo gây lo lắng trong nhân dân. Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai. Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, tín dụng đen, cầm đồ, xiết nợ, đòi nợ thuê.

Tình hình tội phạm, tham nhũng còn phức tạp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đánh giá tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Ảnh Hoàng Hải

Về kết quả công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cũng trong thời gian trên, lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (trong đó khởi tố 2.196 vụ án với 3.408 bị can; xử lý hành chính 11.072 vụ với số tiền trên 244 tỉ đồng); 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (trong đó, khởi tố 274 vụ với 683 bị can).

Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ nhưng vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phổ biến. Trong đó, việc lợi dụng cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và việc thực hiện dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước tiềm ẩn phức tạp. "Tình trạng tham nhũng "vặt" trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Điển hình như vụ 3 cán bộ thuộc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố về tội nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc" - Thượng tướng Lê Quý Vương dẫn chứng thêm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2019 về cơ bản đã chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế và nguyên nhân của công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật; đưa ra dự báo, kiến nghị cụ thể nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả của công tác này. Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Pha đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, thương mại, giao thông, công nghệ thông tin... để ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm pháp luật, tội phạm trên các lĩnh vực này.

 

Vi phạm đất đai còn nhiều

Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến, dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và làm phát sinh các "điểm nóng" về an ninh trật tự tại một số địa phương. Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp. Ðiển hình là Công ty CP Ðịa ốc Alibaba môi giới bán nhiều dự án "ma" ở Ðồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP HCM; Công ty SANA LAND, Công ty Angel Lina ở TP HCM môi giới, nhận đặt cọc mua đất, bán nền tại các dự án không có thật...

Thế Dũng - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu