Đại hội đại biểu Ðảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trong nhiệm kỳ trên năm lĩnh vực. Trong đó, GRDP bình quân hằng năm tăng trưởng khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên…
Ðể đạt được những mục tiêu nêu trên, thành phố đề ra bốn chương trình phát triển với hàng chục chương trình và đề án cụ thể. Một chương trình có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố là Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực. Chương trình này có 13 chương trình và đề án cụ thể, như: Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm cơ khí - tự động hóa giai đoạn 2020 - 2030; Chương trình hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến thực phẩm giai đoạn 2020 - 2030; Ðề án phát triển thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2020 - 2025…
Thành phố cũng đã xác định nhiều nhóm giải pháp để đạt được các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11 đã đề ra. Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, xác định khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… Tăng cường đổi mới quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội (Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh) giai đoạn 2017 - 2022. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với những giải pháp thiết thực và cụ thể hơn…
Trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, việc đưa thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế được xem là một trong những mục tiêu chủ chốt của TP Hồ Chí Minh trong tương lai gần và là khát vọng cháy bỏng của thành phố nhiều năm qua. Nhiệm vụ này đã được thành phố đưa vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Tháng 3-2021 vừa qua, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để thành phố xây dựng Ðề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố.
TP Hồ Chí Minh đã và đang sở hữu rất nhiều lợi thế để hình thành và phát triển thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai không xa. Trước hết, trong nhiều năm trở lại đây, thành phố luôn là "đầu tàu", động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đã đóng góp khoảng 23% GDP và khoảng 27% ngân sách quốc gia. Thành phố thu hút bình quân hơn 33% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của cả nước. Mật độ tập trung các định chế tài chính vào loại cao nhất so với các địa phương khác, tổng vốn tín dụng huy động được trên địa bàn thành phố chiếm bình quân 24% tổng vốn huy động cả nước; tổng dư nợ cho vay cũng chiếm tới 28% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Thành phố cũng là nơi ra đời thị trường chứng khoán đầu tiên của Việt Nam, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 77% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 51,27% GDP cả nước năm 2020…
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, việc hình thành trung tâm tài chính tầm khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra được hiệu ứng tích cực và lan tỏa đối với khu vực phía nam và cả nền kinh tế nước ta. Nguồn cung vốn cho sự phát triển của đất nước sẽ dồi dào hơn khi thu hút được nhiều hơn các định chế tài chính nước ngoài và các dòng vốn đầu tư quốc tế. Không những vậy, việc thành phố trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ góp phần khai thác có hiệu quả hơn tiềm lực kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của cả nước.
Ðể hướng đến mục tiêu trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, thành phố định hướng sẽ trở thành trung tâm tài chính cấp độ quốc gia trong ngắn hạn. Còn trong trung hạn, thành phố sẽ vươn tới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn, cung cấp dịch vụ tài chính cho các nước lân cận rồi mở rộng ra các nước trong khối ASEAN và châu Á. Về dài hạn, trung tâm tài chính tại thành phố sẽ trở thành điểm đến của các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu của cả khu vực và toàn cầu. GS, TS Sử Ðình Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, để vươn đến là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, hệ thống tài chính thành phố cần được phát triển đồng bộ. Theo đó, tập trung phát triển hệ thống các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; phát triển các dịch vụ tài chính; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính…
Bài và ảnh: HOÀNG LIÊM - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)