Thứ ba, 23/03/2021,07:22 (GMT+7)
TP. Sóc Trăng Nhân lên nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả
Là trung tâm của tỉnh nên TP. Sóc Trăng tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh và là điểm giao thương hàng hóa của các địa phương trong và ngoài tỉnh, nhưng chỉ một bộ phận người dân sinh sống bằng việc kinh doanh còn lại nhiều hộ dân tại các phường có nguồn thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, UBND TP. Sóc Trăng đã chỉ đạo ngành chuyên môn xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả triển khai đến hộ dân...
Các mô hình đem lại thu nhập tốt tại hộ có thể kể đến: mô hình nuôi cá sặc rằn, mô hình trồng sen lấy củ, mô hình trồng rau màu nhà lưới, mô hình đưa màu xuống chân ruộng thay thế lúa vụ 3… Để tìm hiểu người dân trên địa bàn TP. Sóc Trăng áp dụng những mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại kết quả như thế nào, chúng tôi đã tìm đến tham quan ruộng bí hồ lô của ông Điền Lên ở Khóm 6, Phường 7.
Ông Điền Lên ở Khóm 6, Phường 7 (TP. Sóc Trăng) khoe ruộng bí hồ lô thay thế lúa vụ 3 đang phát triển tốt. Ảnh: THÚY LIỄU
 
Dưới ánh nắng gay gắt của những ngày tháng 3, ông Lên nhanh tay lia chiếc ống nhựa phun nước liên tục để tưới ruộng bí hồ lô đang phát triển xanh tốt. Ông Lên tâm tình: “Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong khóm không còn sản xuất lúa vụ 3 mà thay vào vụ lúa đó bằng việc đưa màu xuống chân ruộng - đây được xem là cây trồng cải thiện thu nhập cho hầu hết hộ dân”.
 
“Tôi có 3 công đất trồng lúa, sau thu hoạch xong vụ lúa Đông - Xuân 2020 - 2021 chuyển ngay trồng dưa hấu và bí hồ lô (1,5 công trồng dưa hấu, 1,5 công trồng bí hồ lô). Tiện lợi của việc đưa cây màu xuống chân ruộng là không cần làm đất, chỉ cần làm sạch gốc rạ là xuống giống màu ngay. Lợi ích của cây màu trồng dưới chân ruộng là hạn chế phân bón, màu ít bị sâu bệnh, dịch hại tấn công nên năng suất cao. Với 1 công dưa hấu thu hoạch 4 tấn trái, trừ chi phí lợi nhuận 10 triệu đồng. Còn bí hồ lô 1 công có năng suất khoảng 2 tấn, thu lãi hơn 8 triệu đồng. Như vậy với 3 công trồng bí hồ lô và dưa hấu dưới chân ruộng, chỉ trong vòng hơn 2 tháng tôi bỏ túi số tiền 27 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa” - ông Lên chia sẻ thêm.
 
Rời ruộng màu dưới chân ruộng tại hộ ông Lên, chúng tôi đến Khóm 9, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) thăm cây màu được trồng trong nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun tự động kết nối điện thoại thông minh của bà Cao Kiều Phương Uyên. Đây là mô hình được Trung tâm Khuyến nông TP. Sóc Trăng hỗ trợ triển khai thực hiện. Bà Uyên bộc bạch: “Gần 2 năm qua, được ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng màu theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là việc hỗ trợ xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới tự động nên việc sản xuất màu tại hộ thuận tiện hơn rất nhiều. Với diện tích nhà lưới 1.500m2, bên trong tôi trồng cải bông, năng suất thu về 2,8 tấn, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận 44 triệu đồng. Hiệu quả từ nhà lưới và hệ thống tưới tự động đem lại trong sản xuất màu đó là gia tăng năng suất từ 10 - 30%, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập từ 20 - 40%, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh; đồng thời, tiết kiệm nước đến mức tối đa, giảm thời gian tưới nước từ 40 - 50% kèm theo đó giúp vùng rễ cây màu luôn thông thoáng, đất tươi xốp, giúp rễ tăng khả năng hô hấp…”.
Ông Võ Văn Thức ở Khóm 3, Phường 5 (TP. Sóc Trăng) khoe đàn cá sặc rằn hơn 4 tháng nuôi sinh trưởng tốt. Ảnh: THÚY LIỄU
 
Bên cạnh các mô hình về trồng màu hiệu quả thì mô hình nuôi thủy sản nước ngọt cũng đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ dân, điển hình như mô hình nuôi cá sặc rằn của ông Võ Văn Thức ở Khóm 3, Phường 5 (TP. Sóc Trăng). Ghé tham quan ao cá sặc rằn tại hộ ông Thức đúng lúc ông đang kiểm tra độ lớn của cá qua 4 tháng nuôi. Ông Thức cho biết: “Nhằm tăng thu nhập tại hộ, tôi chuyển đổi 1 ao nuôi tôm sang nuôi cá sặc rằn, với diện tích ao 1.300m2, thả nuôi 60kg cá giống. Qua quá trình nuôi cá sặc rằn tôi nhận thấy cá thích hợp điều kiện tự nhiên, sinh trưởng nhanh, không bị hao hụt về con giống, quan trọng là việc nuôi cá rất nhàn bởi cá dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc. Ngoài ra, việc nuôi cá còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ các phế phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, hạn chế nước thải từ ao nuôi cá và với con cá sặc rằn, nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn nên không phải lo lắng đầu ra. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa cá sẽ thu hoạch được, ước năng suất 960kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận gần 5 triệu đồng”.
 
Trưởng Trạm Khuyến nông TP. Sóc Trăng Mai Quốc Ngưng thông tin: “Ngoài các mô hình hiệu quả như tưới tự động trong nhà lưới, trồng màu dưới chân ruộng, nuôi cá sặc rằn, trên địa bàn TP. Sóc Trăng còn rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác đem lại nguồn thu nhập tốt cho người dân. Đơn vị cũng đã tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, như: mô hình trồng sen lấy củ, sản xuất lúa xác nhận, trồng màu tưới tự phủ, nuôi ếch, tưới tiết kiệm trên cây ăn trái… Theo đó, để đa dạng các mô hình hỗ trợ nông dân, trong thời gian tới có thêm nhiều lựa chọn phương thức sản xuất phát triển kinh tế gia đình phù hợp, trong năm đơn vị sẽ triển khai các mô hình như: nuôi lươn, trồng ớt, trồng bí...”.
 
THÚY LIỄU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu