Thứ tư, 01/01/2020,10:29 (GMT+7)
TPHCM tăng thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán 2020
Các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung thịt heo bình ổn dự kiến đáp ứng 4.091 tấn/tháng (ngày thường) và tăng thêm 1.057 tấn tương đương 5.148 tấn/tháng dịp Tết Nguyên đán 2020.
 
Dây chuyền sản xuất thịt heo ở Công ty Vissan
Dây chuyền sản xuất thịt heo ở Công ty Vissan
 
Chiều 30-12, tại TPHCM, Cục Thống kê TPHCM tổ chức họp báo Công bố số liệu kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2019. 
 
 Tại cuộc họp, thông tin về tình hình chuẩn bị hàng hóa dịp tết, ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho biết, TP đã xây dựng và triển khai các giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân.
 
Trong đó, các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là nguồn cung thịt heo bình ổn dự kiến đáp ứng 4.091 tấn/tháng (ngày thường) và tăng thêm 1.057 tấn tương đương 5.148 tấn/tháng dịp Tết Nguyên đán 2020.
 
TPHCM tăng thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán 2020 ảnh 1
Ông Huỳnh Văn Hùng phát biểu tại cuộc họp chiều 30-12
 
Các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020 trên 19.027 tỷ đồng, trong số này nguồn hàng bình ổn thị trường là hơn 7.244 tỷ đồng, tăng trên 602 tỷ đồng so với dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Đối với tháng cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán, từ ngày 26-12-2019 đến 24-1-2020 (từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của doanh nghiệp chuẩn bị trên 10.224 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường hơn 4.088 tỷ đồng.
 
100.000 tỷ đồng dịch chuyển ra khỏi TPHCM
 
Theo Cục Thống kê TPHCM, từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 12-2019, toàn TP có 43.027 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký đạt 680.198 tỷ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ 2018).
 
Đáng lưu ý, Cục Thống kê TP cũng dẫn chứng, trong năm 2019 có khoảng 100.000 tỷ đồng được dịch chuyển ra khỏi TPHCM, trong khi các doanh nghiệp đầu tư vào TP chỉ khoảng 36.000 tỷ đồng.
 
TPHCM tăng thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán 2020 ảnh 2
Khách hàng mua thực phẩm các loại tại siêu thị 
 
Như vậy, giá trị mang ra rất nhiều, còn giá trị mang vào khá thấp. Xu hướng dịch chuyển đầu tư này ngày càng thể hiện rõ nét hơn. Ví dụ, đối với ngành lương thực thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP có giá trị giảm, sản lượng giảm và chỉ số IIP (chỉ số sản xuất công nghiệp) giảm.
 
Hiện tại, một số doanh nghiệp đưa nhà máy dịch chuyển về Bà Rịa – Vũng Tàu, như Công ty Bia Heineken chẳng hạn; hoặc như một số công ty chuyên sản xuất sữa, Công ty Ba Huân cũng tiến hành dịch chuyển đầu tư ra khỏi TPHCM…
 
Để có được những số liệu trên, Cục Thống kê TP cho biết, chỉ tính đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất ở TPHCM, còn những cơ sở của công ty đó đóng ngoài địa bàn TPHCM không được tính vào.
Thông qua số liệu, dễ thấy doanh nghiệp có xu hướng phát triển rộng ra các tỉnh chứ không chỉ gói gọn phát triển trên địa bàn TP.  
 
5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
 
Ông Huỳnh Văn Hùng thông tin, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2019 ước tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 7,89% của năm 2018.
 
Nhưng, tín hiệu đáng mừng là giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ trọng yếu đóng góp 55% trong GRDP và chiếm gần 90% trong khu vực dịch vụ. 4 ngành dịch vụ có tỷ trọng cao so với GRDP là thương nghiệp (14,7%), vận tải kho bãi (10%), hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ (4,8%), tài chính ngân hàng (8,1%). Đây là 4 ngành chủ đạo chiếm gần 62% trong nội bộ khu vực dịch vụ.
 
TPHCM tăng thêm 1.000 tấn thịt heo phục vụ Tết Nguyên đán 2020 ảnh 3
Đại biểu phát biểu tại cuộc họp chiều 30-12
 
Năm 2019 TPHCM có 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. 
 
Trong số này, đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 14,9 tỷ USD (tăng 53% so với cùng kỳ), tiếp theo là nhóm hàng hóa khác đạt 7,8 tỷ USD (tăng 7,1%). 
 
Đứng thứ ba là hàng dệt may đạt 5,6 tỷ USD (tăng 1,6%), theo sau giày dép với 2,6 tỷ USD (tăng 4,7%) và thứ năm là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,1 tỷ USD (giảm 0,9%).
 
Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp TP xuất qua cảng vẫn là Trung Quốc, chiếm tỷ trọng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 25% so với cùng kỳ; kế đến là Hoa Kỳ chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 20,5%; tiếp sau là Nhật Bản chiếm 8,3%, tăng 3,6%.
 
Ông Huỳnh Văn Hùng cũng chỉ ra rằng, một trong những vấn đề đáng lưu ý là giá trị tăng thêm của ngành xây dựng có mức tăng thấp nhất sau nhiều năm tăng trưởng liên tục. 
 
Hiện tượng đầu cơ đất đai, vi phạm pháp luật trong xây dựng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi. Hiện tại, Cục Thống kê TP đã đề xuất TP tăng cường công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…
 
THI HỒNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu