Đánh giá về những lợi thế của ngành du lịch TPHCM, GS Đoàn Thị Hồng Vân, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết trong tổng số khách du lịch của cả nước, trung bình hàng năm thành phố đón khoảng 50% lượt khách quốc tế, trên 1/3 lượt khách nội địa; đóng góp hơn 20% doanh thu du lịch của cả nước.
Du khách tham quan, trải nghiệm thực tế tại huyện Củ Chi, TPHCM trước khi có dịch Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian gần đây, du lịch của TPHCM tuy phát triển mạnh nhưng về cơ bản vẫn chưa định hình bản sắc riêng. Nếu muốn trở thành “trung tâm dịch vụ có sức cạnh tranh toàn cầu”, thành phố phải thiết lập được bản sắc, xác định được mũi nhọn cần tập trung phát triển của ngành du lịch.
Cũng theo GS Đoàn Thị Hồng Vân, nếu chọn hình thức phát triển là du lịch thành phố, du lịch thương mại, TPHCM không thể cạnh tranh được với các thành phố trong khu vực như Singapore, Bangkok… Nếu chọn du lịch văn hóa, lịch sử, TPHCM không thể so với Hà Nội, Huế hoặc các thành phố cổ kính của Trung Quốc. Còn xét ở khía cạnh thành phố đáng sống để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, TPHCM cũng không có dư địa về tài nguyên đất đai, địa thế… đủ để có thể cạnh tranh với Đà Nẵng. Vậy loại hình du lịch nào là mũi nhọn mà TPHCM nên chọn?
Đi tìm câu trả lời sẽ thấy một “thế mạnh tiềm ẩn” của TPHCM bấy lâu bị lãng quên, là các huyện ngoại thành - vốn chiếm tới 3/4 diện tích của thành phố. Tại đây có Cần Giờ - khu rừng dự trữ sinh quyển của thế giới, rộng hơn 34.000ha; chưa kể, hàng loạt làng nghề ở Củ Chi, cũng như các làng nông nghiệp rất đặc sắc ở quận 9. Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp công nghệ cao 88ha với những hoạt động nông nghiệp rất phong phú, có khả năng thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch mỗi năm… Và nếu tiếp tục tìm tòi, chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều những điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn khác - điều Singapore có mơ cũng không thấy được.
Chưa dừng lại đó, trong 3 năm lại đây, Sở Công thương TPHCM đã đẩy mạnh phát triển, định hình dòng sản phẩm chủ lực. Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hiện sở đã thực hiện thống kê doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng. Song song đó, sở đã xây dựng nội dung thông tin, thiết lập địa điểm triển lãm, trưng bày sản phẩm chủ lực kết hợp mở rộng quảng bá thông tin sản phẩm, từng bước nâng thương hiệu sản phẩm thành phố ngang tầm khu vực. Đây là cơ sở để hỗ trợ, cộng hưởng cho phát triển ngành du lịch của thành phố, giúp tăng nguồn thu từ chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam nói chung.
Hoàn thiện hạ tầng du lịch ở ngoại thành
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp (sản phẩm chủ lực của địa phương) đang được TPHCM rất quan tâm. UBND TPHCM đã chỉ đạo ngành du lịch cũng như các sở ngành và 5 huyện ngoại thành phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ nhằm thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách. Hiện nhiều sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố liên tục được làm mới, thu hút khách nội địa cũng như sẵn sàng các tour phục vụ khách nước ngoài.
Phải kể đến là 7 chương trình du lịch sinh thái nông nghiệp mà ngành du lịch TPHCM đã thiết kế và đưa vào khai thác. Cụ thể, tour “Hoa nở trên xứ vàng trắng”, với điểm nhấn tìm hiểu về nghề nuôi yến, tham quan khu bảo tồn dơi nghệ, trải nghiệm chèo thuyền kayak chinh phục biển và rừng ngập mặn Cần Giờ, trải nghiệm bắt cua, cá, ốc. Tour “Thiềng Liềng - Chốn bình yên” giúp du khách tìm hiểu về nghề làm muối biển ở Cần Giờ, tham gia các hoạt động cộng đồng. Tour “Màu xanh và sức sống trên vùng đất thép” hấp dẫn du khách trong và ngoài nước với chương trình tham quan Khu Nông nghiệp công nghệ cao, làng nghề làm bánh tráng, trồng rau, kết hợp tham quan Địa đạo Củ Chi…
Riêng trong năm 2020, Sở Du lịch TPHCM cùng các doanh nghiệp lữ hành đã mở rộng hàng loạt dòng sản phẩm du lịch nông nghiệp khi liên kết với các tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ, đưa khách đến các làng nghề (muối, bánh tráng, trồng rau…). Các sản phẩm liên tuyến cũng tập trung vào đặc trưng thế mạnh của từng địa phương, mà TPHCM nổi bật với các tour du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp. Đại diện Khu du lịch Bình Quới cho hay, đơn vị đang triển khai tour “Sài Gòn Thứ bảy xanh” 2 ngày 1 đêm đậm chất khẩn hoang Nam bộ. Du khách được trở về với tuổi thơ dân dã có hàng dừa, ụ rơm thôn quê, đèn lồng thắp sáng lối vào, nghe đờn ca tài tử. Theo Lữ hành Saigontourist, các tour nông nghiệp thường xuyên có khách, nhất là khách quốc tế (vào thời điểm trước dịch Covid-19) và công ty đang phục vụ số lượng đáng kể khách nội địa từ các tỉnh thành ghé thăm TPHCM.
Lợi thế đã được xác định nhưng theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành Fiditour, ngành du lịch thành phố còn những bất cập phải sớm được khắc phục. Đó là sự gắn kết lỏng lẻo giữa điểm đến (nhà vườn, trang trại…) với các hãng lữ hành, cơ quan chuyên trách. Điều này khiến những điểm đến thiếu tính ổn định và bền vững. Chủ một trang trại tại Củ Chi chia sẻ, ông muốn đầu tư trạm dừng chân, ăn uống đón khách với kinh phí cả tỷ đồng, nhưng xét đến việc đón khách tham quan chỉ thu được vài chục ngàn đồng/người nên bỏ luôn ý định này. “Tour ở TPHCM nên quan tâm đến đối tượng khách nhà - khách Sài Gòn. Hàng triệu người dân TPHCM thích đi du lịch, nhưng vướng suy nghĩ thành phố không có sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, nên không muốn chi tiền. Nên xem xét làm mới sản phẩm, kết nối điểm đến đưa du khách tới tham quan, sẽ giúp gia tăng nguồn thu”, bà Bảo Thu góp ý về việc thiết kế tour cho khách.
Phát triển du lịch sinh thái ở Củ Chi
Trên địa bàn huyện Củ Chi, theo Sở QH-KT TPHCM, xã Phú Mỹ Hưng có Khu di tích Bến Dược thu hút du khách, có thể trở thành một quần thể di tích - tưởng niệm và du lịch. Có thể khai thác thêm cảnh quan của rừng cao su nơi đây để lôi cuốn du khách. Địa bàn xã An Phú có nhiều kênh rạch và hiện có điểm du lịch khá hấp dẫn do Hợp tác xã Một thoáng Việt Nam tổ chức. Trong tương lai, nơi này có Thảo Cầm viên mới. Vì thế, nơi đây có thể được xây dựng thành khu du lịch sông nước kết hợp tham quan, nghiên cứu khám phá nông nghiệp kỹ thuật cao.
Xã An Nhơn Tây có doi đất nhô ra sông rất đẹp, có thể xây dựng các công trình mang điểm nhấn cho toàn vùng. Ngoài ra, có thể đào kênh, làm hồ cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái. Trong khi đó, 2 xã Nhuận Đức và Phú Hòa Đông, tuy có đất hẹp nhất toàn vùng, có đoạn chỉ rộng 150m, nhưng lại có Nông trường Phạm Văn Cội, Khu du lịch Bến Đình và dân cư khá đông đúc, nên có thể phát triển du lịch trải nghiệm kết hợp các dịch vụ du khảo, dã ngoại tự sinh tồn. Xã Phú Hòa Đông với một phần xã Trung An có địa thế nhô ra sông Sài Gòn và có rạch Lăng The bao bọc cho tầm nhìn đẹp, có thể phát triển làng nghề kết hợp du lịch. Hiện nơi đây đã có làng nghề hoa cây kiểng của Hợp tác xã Quang Hà và Khu di tích lịch sử Gò Môn. Xã Hòa Phú có nhiều trung tâm dịch vụ công cộng, nhiều đình chùa với dân cư khá đông đúc, nên có thể phát triển khu dân cư nhà vườn kết hợp với các khu dân cư hiện hữu. Xã Bình Mỹ có nhiều cụm dân cư nông thôn, vì thế sẽ tập trung phát triển các khu dân cư này kết hợp với các nhà vườn mới.
Du khách đang muốn trở về với thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên. Du lịch nông nghiệp hoàn toàn có thể là cơ hội để thành phố chọn làm thế mạnh phát triển.
|
ÁI VÂN - THI HỒNG - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)