Trong số đó, ngân sách trung ương phân bổ để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 105 tỷ đồng, nguồn vốn phân bổ thực hiện các chính sách giảm nghèo là hơn 3.535 tỷ đồng. Số tiền còn lại được huy động từ người dân.
Với số tiền trên, tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở những địa phương này.
Tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số gặp khó khăn; đồng thời nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu; thôn bản đặc biệt khó khăn…
Từ đầu năm đến nay, huyện nghèo Trà Cú và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã triển khai 62 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh, duy tu, bảo dưỡng 18 công trình; hỗ trợ gần 1.500 hộ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.
Thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, tính đến hết tháng 5/2020, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân gần 179 tỷ đồng cho hơn 7.500 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn để phát triển sản xuất.
Tỉnh cũng cấp phát 435.924 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, các địa bàn khó khăn, người dân tộc thiểu số, người sinh sống xã đảo… với tổng số tiền gần 380 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, cho biết hiện toàn tỉnh còn 1 huyện nghèo loại II, có 23 xã khu vực III, có 10 ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số thuộc diện đầu tư của Chương trình 135; có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, còn 6 xã đảo và 5 xã an toàn khu.
Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,2% so với tổng số hộ toàn tỉnh, trong đó, hộ nghèo thuộc dân tộc Khmer còn 5.394 hộ, chiếm 6% số hộ thuộc dân tộc Khmer.
Năm nay, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 1,5% hộ nghèo; giảm 2-3% hộ nghèo thuộc dân tộc Khmer và giảm sâu tỷ lệ hộ cận nghèo (ít nhất 2%) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.
Đồng thời, tỉnh cố gắng có từ 20-30% số xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số sẽ thoát khỏi tình trạng này; có thêm 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 12 xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.
Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)