Thứ hai, 01/06/2020,08:23 (GMT+7)
Trà Vinh gắn kết kinh tế vườn với du lịch sinh thái để phát triển bền vững
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với hệ thống sông rạch phong phú, đất đai được phù sa bồi đắp màu mỡ quanh năm đã tạo cho địa phương có một nền sản xuất nông nghiệp rất đa dạng. Đặc biệt, tỉnh có nhiều cù lao, cồn nổi ven sông với những vườn cây ăn quả đặc sản chuyên canh rất lợi thế để phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị cây ăn quả đặc sản của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Ông Cao Văn Lùng, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè giới thiệu dừa sáp đến du khách
 
Huyện Cầu Kè nằm ven sông Hậu, cách thành phố Trà Vinh trên 40 km. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, quanh năm nước ngọt, phù sa bồi đắp nên đây là địa phương trù phú nhất tỉnh Trà Vinh, với những vườn trái cây đặc sản trĩu quả ít nơi nào sánh được. Cầu Kè hiện là địa phương có diện tích vườn cây ăn quả lớn nhất tỉnh Trà Vinh, với gần 9.000 ha, chiếm khoảng 50% diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh. Mỗi năm, sản lượng các loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, nhãn, cam sành, bưởi năm roi, bưởi da xanh, xoài… đạt trên 130.000 tấn, đem lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương hàng trăm tỷ đồng.
 
Không những vậy, Cầu Kè còn được mệnh danh là “thủ phủ dừa sáp”, loại quả có mặt ở địa phương vào năm 1960. Thoạt nhìn bên ngoài, quả dừa sáp không khác gì những quả dừa bình thường nhưng khi bổ ra, bên trong cơm rất dày như sáp, mềm, dẻo, đặc quánh. Hương vị rất đặc biệt, béo thơm và khác hẳn hương vị của những quả dừa bình thường. Ban đầu, nhà vườn ở đây chỉ trồng loại quả này để ăn và làm quà biếu. Sau, mỗi dịp lễ Vu Lan thắng hội hàng năm, khách hành hương ưa chuộng tìm mua và truyền tai nhau, cây dừa sáp trở thành thương hiệu đặc sản của vùng đất Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, giúp hàng trăm nhà vườn địa phương trở thành triệu phú.
 
Gia đình ông Cao Văn Lùng, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè có thâm niên trồng dừa sáp 13 năm cho biết, quả dừa sáp có giá trị kinh tế khá cao, gấp hàng chục lần quả dừa thường. Vườn dừa 1,2 ha của gia đình ông có hơn 100 cây dừa sáp. Mỗi cây dừa sáp cho quả sáp đạt tỷ lệ khoảng 25-30%. Với giá bán dao động từ 90.000-120.000 đồng/quả, người trồng dừa sáp có thu nhập cao hơn 10 lần so với trồng dừa thông thường.
 
Cầu Kè hiện có  hơn 1.000 ha  dừa sáp, tập trung nhiều ở các xã: Hòa Tân, Hòa Ân và thị trấn Cầu Kè, với số lượng hơn 45.000 cây; trong số này,  trên 37.000 cây  đang cho trái, với tỷ lệ trái sáp trung bình trên quầy đạt từ 20-40%.Mỗi năm, bình quân 1 ha trồng dừa sáp, nhà vườn có thu nhập trên 200 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng các loại cây khác trên cùng vùng đất.
 
Đến nay, dừa sáp đã khẳng định được thương hiệu và trở thành đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Để nhiều người biết đến loại quả đặc biệt này, đồng thời giúp nhà vườn có thị trường tiêu thụ bền vững, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tranh thủ nguồn vốn từ Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư 80 triệu đồng cho nhà vườn ông Cao Văn Lùng xây dựng điểm tham quan tại vườn dừa của gia đình, lấy tên là Vườn dừa sáp Ba Thúy. Đồng thời, Sở kết nối với các công ty du lịch lữ hành giới thiệu điểm tham quan này đến với du khách trong và ngoài nước.
 
Ông Nguyễn Hoàng Khải, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, địa phương quy hoạch lại sản xuất, cải tạo vườn kém hiệu quả, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, từng bước xây dựng thương hiệu các loại trái cây đặc sản để thu hút doanh nghiệp đầu tư du lịch sinh thái miệt vườn. Huyện xác định, phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Vì vậy, huyện đang tập trung nhiều nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nâng cấp các công trình giao thông trên địa bàn. Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp và khuyến khích người dân chung tay phát triển du lịch. 
 
Đến Cầu Kè, du khách sẽ được trải nghiệm du lịch sinh thái nông nghiệp tại các cù lao Tân Qui I, Tân Qui II (xã An Phú Tân), An Lộc (xã Hòa Tân), tìm hiểu sinh kế và văn hóa, đời sống thường nhật của người dân vùng nông thôn sông nước, được dừng chân ở những vườn cây trĩu quả thưởng thức tại chỗ, tự tay hái trái, chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, chuyện trò với những người dân miệt vườn nhiệt tình, hiếu khách…
 
Bên cạnh hệ sinh thái miệt vườn, Cầu Kè còn là nơi hội tụ của ba dòng văn hóa Kinh- Khmer- Hoa với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn riêng, đặc sắc như nhà cổ Cầu Kè, những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer…  Một trong những thiết chế văn hóa mang giá trị đặc sắc tại huyện Cầu Kè là hệ thống 4 miếu thờ ông Bổn của cộng đồng người Hoa; trong đó, Minh Đức Cung, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân được công nhận là di tích cấp quốc gia. Hàng năm, vào tháng 7 âm lịch, tại các miếu thờ này diễn ra lễ Vu Lan thắng hội, hay còn gọi là lễ cúng ông Bổn, đậm nét tín ngưỡng cùa đồng bào người Hoa, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.
 
Cầu Kè cũng là quê hương của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Nguyễn Thị Út (Út Tịch), nhân vật chính trong truyện ký “Người mẹ cầm súng” của nhà văn - liệt sĩ Nguyễn Thi. 
 
Những năm gần đây, Cầu Kè thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế. Du khách nước ngoài rất thích trải nghiệm cuộc sống miệt vườn sông nước đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, đạp xe len lỏi trên những con đường rợp bóng cây trái, chèo thuyền ngắm sông nước, thưởng thức hương vị thơm ngon của các loại trái cây đặc sản miệt vườn, săn cá Bông lau trên dòng sông Hậu, cùng sinh hoạt thường nhật với người dân địa phương…
 
Du khách thưởng thức dừa sáp tại Vườn dừa sáp Ba Thúy của ông Cao Văn Lùng
 
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, mặc dù tiềm năng du lịch của huyện Cầu Kè  phong phú, với những vườn cây ăn trái đặc sản, các lễ hội đa văn hóa đặc sắc và có khu tưởng niệm nhân vật lịch sử nổi tiếng, nhưng thời gian qua, việc phát triển du lịch ở địa phương vẫn còn nhiều hạn chế.
 
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết giai đoạn 2020-2025 về phát triển du lịch văn hóa, sinh thái huyện Cầu Kè.
 
Trước mắt, ngành du lịch tỉnh tranh thủ các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn khởi nghiệp, vốn dự án đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực du lịch cho huyện; trong đó tập trung tập huấn kỹ năng du lịch cộng đồng, kinh tế du lịch, dạy nghề du lịch để nâng cao kỹ năng và nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và các hộ dân làm du lịch trên địa bàn huyện.
 
Để khuyến khích người dân đi phương làm du lịch, ngành du lịch cũng tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh hỗ trợ hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) từ 2-5 phòng, với mức hỗ trợ một hộ 30 triệu đồng/phòng. Đồng thời, hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn  nhưng không quá 150 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 36 tháng tại các tổ chức tín dụng.
 
Tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà hàng ẩm thực đặc trưng kết hợp đặc sản, hàng lưu niệm với mức hỗ trợ tối đa lên đến 200 triệu đồng; hỗ trợ mua sắm phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông thô sơ, xe điện để vận chuyển khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa lên đến 150 triệu đồng/dự án.
 
Mỗi năm, tỉnh Trà Vinh đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch. Tỉnh phấn đấu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu đón hơn 1,1 triệu lượt khách; trong đó, huyện Cầu Kè đón khoảng 35.000 lượt./.
 
Thanh Hòa - (travinh.gov.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu