Chủ nhật, 07/07/2019,08:48 (GMT+7)
Trải nghiệm du lịch vườn dừa
Du lịch (DL) sinh thái sông nước là thế mạnh và cũng là sản phẩm DL chủ lực của tỉnh. Với chủ trương phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh cũng như đứng trước nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách, các đơn vị làm DL tỉnh nhà đã phát triển nhiều tour tuyến mới, gắn với nông nghiệp, nông thôn, cây dừa Bến Tre.
Đi đò chèo trong rạch dừa nước ở Mỏ Cày Bắc.

Đi đò chèo trong rạch dừa nước ở Mỏ Cày Bắc.

Đậm đà văn hóa xứ Dừa

Tàu DL đón chúng tôi tại bến tàu gần khu nghỉ dưỡng Mỹ An (TP. Bến Tre) rồi rẽ sóng Hàm Luông theo hướng về huyện Mỏ Cày Bắc. Đoạn sông này khá rộng, các trụ đáy bằng thân dừa lừng lững giữa dòng, vài cánh chim mỏi dừng nghỉ trên trụ dáo dác bay đi khi tiếng máy tàu rì rì lướt tới.

Rẽ vào nhánh sông Cái Cấm, đôi bờ gần lại nên cảm giác mênh mông trời nước cũng chuyển sang một trạng thái khác, tính tò mò bắt đầu lôi kéo chúng tôi trải mắt nhìn khung cảnh hai bên. Có người bảo: “Đi tàu trên sông thế này mình sẽ thấy cuộc sống diễn ra với một góc nhìn khác”. Tôi hiểu ý vị khách ấy khi tàu đi qua những ngôi nhà thấp thoáng ven bờ, phía trước đó có lẽ là những con đường nhỏ, là vườn cây trái, còn phía sau, quay ra sông là một “mặt hậu” rất khác. Có một chút riêng tư lại vừa rất cởi mở. Một nhóm trẻ em tụ tập ở cầu nước sau nhà tập bơi vẫy tay chào chúng tôi, khách trên tàu cũng hồ hởi chào lại, tiếng cười tíu tít vang một khúc sông.

Tàu ghé vào một homestay kiểu nhà vườn ba gian xinh xắn, vách gỗ, nền gạch tàu đậm chất miền Tây. Chủ nhà mời khách bữa trưa với bắp chuối tempura (các món đồ chiên theo kiểu Nhật) và cá lòng tong chiên giòn. Một món ăn khá quen thuộc ở các điểm DL sinh thái là cá tai tượng chiên xù cuốn bánh tráng cũng được bày lên làm món chính. Anh chủ nhà niềm nở vừa dẻ thịt cá mời khách vừa đẩy đưa kể chuyện xóm làng làm không khí bữa ăn càng thêm thoải mái. Gió sông thổi nhè nhẹ giữa trưa đung đưa mấy nhánh bình bát lủng lẳng trái xanh.

Tàu về đến chợ Dừa trên sông Thom, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc hai bên sông sôi động vô cùng, các xưởng sơ chế dừa liền kề nhau nhộn nhịp lao động đang khẩn trương làm việc. Dừa trái tập kết thành từng đống nối tiếp chờ lột vỏ. Cập vào bờ là những chiếc tàu chuyên tải vỏ dừa căng sẵn lưới như những cánh chim lớn. Một chiếc tàu lớn chở dừa trái rầm rì chạy ngược chiều với đoàn chúng tôi vừa kịp để lại nụ cười hồn hậu của anh lái tàu.

Mỏ Cày Nam là một trong những vùng trồng dừa lớn của tỉnh với gần 17.000ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 150 triệu trái. Thời gian qua, huyện cũng tập trung cho xây dựng và vận hành chuỗi giá trị cây dừa, từ khâu chọn giống, trồng để tiêu thụ, sơ chế dừa và phát triển các sản phẩm từ dừa. DL vườn dừa cũng từ đó trở thành giải pháp giúp gia tăng giá trị cho cây dừa Mỏ Cày Nam; đồng thời, tạo ra những nét mới thu hút du khách khám phá, trải nghiệm để hiểu hơn về huyền thoại “cái nôi Đồng khởi” văn hóa xứ Dừa Bến Tre.

Khi nông dân làm DL

Tản bộ qua những vườn dừa xanh mát có lẽ là một trải nghiệm thú vị đối với những du khách từ lâu đã quá quen với phố thị. Con đường quê quanh co ôm lấy qua những bờ dừa rợp bóng mát, nép sau hàng rào dâm bụt là những ngôi nhà dân dã nhưng có sức hút lạ kỳ, tự thân giới thiệu cho du khách một cách sinh động nếp sống của người miệt vườn. Nhiều người trong đoàn chúng tôi trầm trồ: “Về già chỉ ước có được ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn xinh thế này, trồng mấy gốc bưởi, thả dăm con gà rồi sống bình dị vầy thôi”.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Ba Vạn, một lão nông có tiếng trong xã Tân Thành Bình, Mỏ Cày Bắc là am tường các truyền thống văn hóa địa phương. Hai ông bà đã ngoài tuổi thất thập nhưng vẫn còn tình cảm lắm. Mấy chị trong đoàn trêu: “Sau này tụi con chỉ muốn được như ông bà thôi!”. Bà Ba cười hiền, đon đả mời khách mấy món quà quê chính tay bà làm, vị ngọt thanh thanh của chuối hài hòa với vị gừng cay cay trong viên kẹo chuối của bà Ba còn theo đoàn chúng tôi đến khi trở lại thành phố.

Rời nhà ông bà Ba, chúng tôi ngồi đò chèo qua một con rạch có tên rất đẹp, gọi là Thanh Hà để đến với điểm làm nghề bó chổi cọng dừa. Nhìn đôi tay người thợ cứ thoăn thoắt vừa quấn vừa siết chặt bó cọng dừa rồi cho ra thành phẩm là một cây chổi dừa thiệt đẹp, nhiều anh chị trong đoàn chúng tôi hoàn toàn bị chinh phục. “Chổi này bền lắm nè, ở chợ mình mua quét hoài không hư, thì ra là làm như thế này”, một chị trầm trồ.

Làm DL đang được xem là một nghề “mần chơi, ăn thiệt” của nhiều nhà vườn quê tôi. “Từ hồi mở ra mần, tui thấy cũng vui lắm, có khách tới chơi, mình kể chuyện cho người ta nghe, rồi mần bánh mứt tiếp khách. Có người cũng mua kẹo mứt đem theo về, nhờ vậy mà có thêm một khoảng thu nhập”, bà Ba Vạn bày tỏ.

DL nông thôn đang là xu hướng của ngành DL hiện nay. Với DL nông thôn, người nông dân được hưởng lợi khi tiêu thụ sản phẩm mình đang có với giá trị gia tăng nhiều hơn.

Một trong các hoạt động bên lề hấp dẫn được dự kiến sẽ diễn ra trong dịp Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V năm 2019 đó là tour DL “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa”. Dự kiến Lễ hội Dừa năm 2019, tại gian hàng của Trung tâm Thông tin xúc tiến DL tỉnh cũng như tại trụ sở các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức tiếp nhận, đưa khách tham quan các tour DL sinh thái sông nước xứ Dừa.
Bài, ảnh: Thanh Đồng (baodongkhoi.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu