Thứ ba, 05/05/2020,21:46 (GMT+7)
Trẻ em xứ dừa sáp Trà Vinh thay đổi nhờ thư viện cộng đồng
“Qua nhiều năm, tôi phát hiện trẻ em vùng nông thôn hiếu động và thông minh không kém gì trẻ em ở thành thị nhưng cái mà các em thiếu nhất là cơ hội được tiếp cận với chương trình giáo dục chất lượng. Điều đó đã thúc đẩy tôi rất lớn khi phát triển mô hình thư viện cộng đồng ở vùng nông thôn”.
 
Việc anh Phạm Văn Anh đem thư viện miễn phí về xã Phong Thạnh (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) đã mở ra một khoảng trời mới đầy hy vọng cho trẻ em nơi đây.
 
 
Thư viện đa dạng các loại sách
 
 
Anh Văn Anh chia sẻ, anh xây dựng mô hình thư viện cộng động này với ước muốn giúp trẻ em vùng quê có điều kiện được tiếp cận mô hình giáo dục tiến bộ như các em ở những thành phố lớn. Nó sẽ là một thay đổi tích cực đến sự phát triển toàn diện của các em sau này. 
 
 
Sau giờ học, các em rất thích đến thư viện
 
Sự thay đổi tích cực của những "mầm non"
 
Đến thư viện, các em không chỉ được đọc sách thỏa thích, mà còn được dạy về tin học, được dạy cách thiết kế, vận hành robot hay các kỹ năng sống cần thiết. Ngoài ra, các em còn được tham gia những môn thể thao, trò chơi thú vị như bóng đá, bóng chuyền, đá cầu, cờ vua…, giúp cải thiện thể chất, trở nên tự tin và năng động hơn.
 
Các em còn cùng nhau trồng và chăm sóc vườn cây, vườn rau qua đó giúp các hiểu được giá trị lao động cũng như yêu quý thiên nhiên, giúp các em nuôi dưỡng tâm hồn, hướng đến những điều tốt, việc tốt.
 
 
Không chỉ học, các  em còn được vui chơi với bạn mới
 
 
Để thư viện cộng đồng có thể phát triển như hôm nay, nhận được sự ủng hộ của bà con và địa phương, anh Văn Anh cùng với những cộng sự của mình không ngừng nỗ lực gắn kết các em thành một gia đình, lan tỏa sức mạnh tri thức và tình yêu thương đến các em bằng tất cả sự quan tâm và thấu hiểu.
 
Sau hơn 3 năm thư viện ra đời, trẻ em xã Phong Thạnh đã có sự tiến bộ đáng kể từ tư duy cho đến lối cư xử. Một số em không còn đánh nhau, chửi thề hay quậy phá như trước mà ngược lại đã trở nên ngoan ngoãn, lễ phép hơn hẳn. Không chỉ vậy, trình độ tiếng Anh của các em cũng được cải thiện, góp phần bổ trợ cho việc giảng dạy của các trường học chính quy.
 
 
Các em được làm những gì mình thích
 
 
Là người trực tiếp chỉ dẫn các em ở thư viện trong những năm qua, chị Phạm Thị Thanh Thêu - quản lý thư viện cho biết: “Sau khoảng thời gian làm việc ở đây, điều khiến tôi vui nhất là nhìn thấy sự thay đổi tốt hơn của các bé từ thái độ, hành vi cho đến suy nghĩ. Tôi xem các bé như là em của mình ở nhà nên muốn dành những điều tốt nhất cho các bé. Được sinh ra ở miền quê và cũng từng phải chịu thiệt thòi giống như các bé nên tôi luôn nhắc các em phải cố gắng học hành. Thứ nhất là để lo cho chính cuộc sống bản thân sau này tốt hơn, thứ hai là có thể đỡ đần gia đình và giúp ích quê hương”.
 
 
Chị Thêu rất được các em yêu mến
 
 
Cũng như chị Thêu, không ít phụ huynh đã tỏ ra hết sức bất ngờ và xúc động khi nhìn thấy sự thay đổi từng ngày của con mình. Các em về nhà đã biết nói cám ơn với cha mẹ, biết thể hiện tình cảm với cha mẹ và lâu lâu còn mang rau mà mình chăm sóc ở thư viện về cho cha mẹ.
 
Các bậc cha mẹ ủng hộ, khuyến khích con mình đến thư viện chơi và học hỏi nhiều hơn. “Thành công bước đầu này là động lực rất lớn để tôi tiếp tục đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật về đây cho các em và tôi mong chính các em sẽ là người sẽ thúc đẩy sự thay đổi của vùng nông thôn. Tôi muốn nhân rộng thêm mô hình này để giúp trẻ em vùng quê có điều kiện phát triển tốt như ở thành phố”, anh Văn Anh nói.
 
 
Mỗi ngày thư viện có khoảng 15 -20 em đến
 
 
Lan tỏa sức mạnh tri thức
 
Đến thư viện "trải nghiệm", nhiều em thích thú về khoe và rủ thêm các bạn của mình đến cùng vui chơi, học tập. Lúc đầu, thư viện chỉ có vài em biết nhưng giờ số lượng đã tăng lên đáng kể, một ngày trung bình khoảng 15 - 20 em đến đây, cuối tuần có thể lên đến 30 em.
 
Đặc biệt, khi thư viện tổ chức các hoạt động như ngày hội thư viện, giáng sinh, trung thu thì số lượng có thể từ 50 – 100 em. Những em đến đây đa phần là học sinh tiểu học, kế đó là học sinh cấp 2 và cấp 3.
 
 
Nguồn sách chủ yếu là từ cộng đồng, xã hội, những người có sách đóng góp
 
 
Hiện nay, thư viện đã có hơn 1.200 đầu sách với đa dạng thể loại như sách kĩ năng, văn học, sức khỏe, văn hóa, lịch sử, truyện tranh… Nguồn sách chủ yếu là từ cộng đồng, xã hội, những người có sách đóng góp cho thư viện.
 
“Con thích ở đây lắm, cô Thêu dạy cho con với các bạn đủ thứ hết, con được chơi với nhiều bạn mới, được đọc truyện tranh thoải mái luôn”, bé Bình An (8 tuổi) tinh nghịch nói. Dừng tay tô màu, bé Huỳnh Anh (9 tuổi) cũng nói theo: “Chơi ở đây vui mà, con biết vẽ nữa nè".
 
 
Các bậc cha mẹ cũng khuyến khích con đến thư viện
 
 
Thư viện tổ chức chơi gấp đậu
 
 
Đứng ngoài cửa quan sát các cháu bé hoạt động trong thư biện, cô Huỳnh Thị Đẹp (ngụ xã Phong Thạnh) nó: “Tôi có hai đưa cháu đang học trong thư viện này, ngày nào tôi cũng đạp xe chở hai đứa nó qua đây hết, xong rồi chờ chở tụi nó về. Ở đây mấy cô chú nhiệt tình, thân thiện, cô Thêu cổ cũng dễ thương lắm. Tôi thấy vậy nên tôi ủng hộ”. 
 
 
Cô Đẹp quan sát cháu mình chơi với các bạn
 
 
Ông Lâm Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh cho biết, từ khi thành lập đến nay, thư viện này đã mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt đối với trẻ em vùng này. Địa phương cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện để thư viện ngày càng phát triển tố hơn, giúp các em phát triển tốt hơn.
 
 
Thư viện cũng đầu tư sân chơi ngoài trời, vườn rau cho các em
 
 
Thư viện cộng đồng là một trong những hạng mục thuộc dự án Trung tâm tình nguyện cộng đồng do Tổ chức ECO Vietnam Group (EVG) triển khai và xây dựng dựa trên sự phối hợp với chính quyền địa phương. Thư viện hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 2/2016. EVG là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2009, bởi những bạn trẻ có chung niềm đam mê, nhiệt huyết với việc phát triển cộng đồng, mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho những vùng quê nghèo Việt Nam. Anh Phạm Văn Anh cũng là một trong những người sáng lập tổ chức này.
 
Diễm Kiều - (baophapluat.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu