Thứ hai, 12/10/2020,08:13 (GMT+7)
Trị bệnh “ăn trên lưng người bệnh”
Liên tiếp các vụ nâng khống thiết bị y tế bị phát hiện gần đây đã “vén màn” những tiêu cực trong hoạt động liên doanh - liên kết, xã hội hóa và đầu tư trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện công. Cần những chế tài, quản lý gì để ngăn chặn được tình trạng lạm dụng cơ chế tự chủ bệnh viện để “ăn trên lưng người bệnh”?
Điều trị cho bệnh nhân bằng robot Rosa. Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
 
Lỗ hổng trong cơ chế tự chủ
 
Kết quả điều tra ban đầu vụ nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã xác định, thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não robot Rosa (có xuất xứ từ Pháp) đã được hai bên liên kết “thổi giá” cao gấp nhiều lần giá trị thật. Cụ thể, thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng, nhưng đã bị nâng khống lên thành 39 tỷ đồng. Theo đó, một ca phẫu thuật sử dụng thiết bị này chỉ hết khoảng bốn triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị chiếm đoạt với số tiền lớn.
 
Các chuyên gia phân tích, để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong ngành y tế thời gian qua, có một phần xuất phát từ mặt trái của xã hội hóa y tế. Ngoài những kết quả đạt được, thực tế triển khai thực hiện tự chủ tại các bệnh viện đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả, hiệu lực của cơ chế này. Như việc quản lý tài sản, trang thiết bị tại một số bệnh viện chưa thật sự tốt, trong đó nổi lên là tình trạng xác định tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác liên kết không đầy đủ cơ sở, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh. Giá dịch vụ y tế theo máy liên kết thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhưng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh. Một số bệnh viện có nguồn lực nhưng chưa chủ động đầu tư trang thiết bị, “lạm dụng” liên doanh - liên kết làm tăng chi phí khám, chữa bệnh. Điều đáng nói, vì sao những đợt thanh tra, kiểm toán và chỉ đạo các đơn vị rà soát các đề án về việc phê duyệt đề án dịch vụ y tế từ phía cơ quan quản lý lại không phát hiện kịp thời vụ việc như trên?
 
Cần sớm công khai, minh bạch giá 
 
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay, gần đây, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Chỉ thị số 20 yêu cầu các cơ sở y tế và đơn vị trực thuộc Bộ Y tế rà soát lại và bảo đảm quyền lợi của người thụ hưởng và công khai giá dịch vụ y tế để người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp nhu cầu. Bộ Y tế cũng đã thành lập tổ thẩm định giá các thiết bị mới được mua sắm trong thời gian qua theo hướng xem xét mức giá ở thời điểm bệnh viện mua, với cấu hình, chất lượng thiết bị bao nhiêu thì được cho là hợp lý.
 
Muốn quản lý tốt vấn đề này, phía các chuyên gia cho rằng, cần phải rạch ròi y tế công - tư. Việc kêu gọi xã hội hóa y tế chỉ nên theo hướng mở rộng phát triển hệ thống dịch vụ; phòng khám - bệnh viện y tế tư nhân. Còn bệnh viện công hãy thực hiện các chính sách y tế toàn dân như vốn có. Để hạn chế tiêu cực trước tiên phải kiểm soát được khâu thẩm định giá với đầu vào là hóa đơn nhập khẩu. Đây được xem là mấu chốt trong liên doanh - liên kết mua sắm trang thiết bị, đòi hỏi các đơn vị khám, chữa bệnh phải có “nghệ thuật” để đòi được hóa đơn này. Kế đến, khi liên doanh - liên kết phải xác định thu của người bệnh bao nhiêu tiền trên một ca. Trong đó, giá thu phải bằng chi phí mua máy, cộng các chi phí phát sinh, số ca ước thực hiện và chia cho thời gian khấu hao máy. Ngoài ra, cần có chế tài, để kiểm soát việc các bệnh viện bắt buộc phải tính toán đến tình huống số ca bệnh sử dụng dịch vụ này tăng thì số tiền đóng của người bệnh phải giảm. Các bệnh viện, cũng phải có sự xem xét kỹ lưỡng về nguồn gốc, giá cả các trang thiết bị y tế.
 
Theo một đánh giá của Bộ Y tế, các hộ gia đình ở Việt Nam đang chi một tỷ lệ tiền túi cao cho chăm sóc sức khỏe, nên rất dễ dẫn đến tình trạng nghèo hóa ở những hộ gia đình có mức thu nhập trung bình trong trường hợp có người ốm đau. Bộ Y tế cũng đưa ra con số tỷ lệ bị nghèo hóa do chi phí y tế hiện nay là 1,7%. Xã hội hóa y tế, mục đích ban đầu vô cùng tốt đẹp, giúp người bệnh được tiếp cận những máy móc hiện đại trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, vì lợi ích cá nhân của một bộ phận cán bộ mà mục đích tốt đẹp ấy đã bị biến tướng. Hơn bao giờ hết, cần công khai, minh bạch giá thiết bị y tế, để không còn những hành vi trục lợi, tăng thêm gánh nặng chi phí cho người bệnh.
 
Hà An - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu