Thứ tư, 19/08/2020,10:21 (GMT+7)
Triển vọng ngành tôm
Với xu thế chuyển dần sang nuôi thâm canh, siêu thâm canh và cùng với đó là sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của đội ngũ doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh, tương lai không xa, việc vươn lên trở thành tỉnh có ngành tôm phát triển mạnh của cả nước là điều hoàn toàn có thể trở thành hiện thực đối với Sóc Trăng.
Nếu chỉ xét đơn thuần về diện tích, thì Sóc Trăng vẫn còn thua xa so với các tỉnh còn lại ở Bán đảo Cà Mau, nhưng về sản lượng thì Sóc Trăng luôn nằm trong top 3 tỉnh có sản lượng tôm nước lợ lớn nhất cả nước, đặc biệt là con tôm thẻ. Đội ngũ doanh nghiệp chế biến tôm ở Sóc Trăng cũng không nhiều, nhưng hầu hết là doanh nghiệp lớn trong ngành tôm cả nước. Và như thế, chỉ cần phát triển thêm đội ngũ doanh nghiệp sản xuất tôm giống nữa thôi, Sóc Trăng sẽ hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành tỉnh có ngành tôm phát triển mạnh nhất của cả nước.
Các mô hình nuôi tôm thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ mới đang ngày càng phát triển tại các vùng nuôi trong tỉnh. Ảnh: TÍCH CHU
 
Tính đến cuối năm 2019, cả nước có trên 705.000ha nuôi tôm nước lợ, trong đó Cà Mau đứng đầu với gần 281.000ha, Kiên Giang gần 128.000ha, Bạc Liêu là 135.000ha và Sóc Trăng 57.500ha. Tuy có diện tích nuôi thấp, nhưng sản lượng tôm năm 2019 của Sóc Trăng lại cao hơn so với Kiên Giang, tương đương với Bạc Liêu và chỉ ít hơn Cà Mau khoảng 25.000 tấn. Đó là nhờ ngay từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi tôm theo mô hình thâm canh và bán thâm canh và hiện là nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh nhiều nhất của cả nước. Cùng với đó, Sóc Trăng cũng là tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến tôm lớn, trình độ chế biến cao nên kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm của Sóc Trăng luôn nằm trong top đầu của cả nước.
 
Sau những thành công lẫn thất bại với mô hình nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh, từ năm 2010, các vùng nuôi tôm của Sóc Trăng bắt đầu chuyển dần mạnh sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng luôn gấp 2 lần so với tôm sú và phần lớn là nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đây cũng chính là nguyên nhân góp phần rất lớn đưa diện tích nuôi tôm nước lợ của Sóc Trăng tăng nhanh từ năm 2000 đến nay và đến cuối năm 2019 đã đạt trên 150.000 tấn. Với một nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng mở rộng quy mô sản xuất, làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu.
 
Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, trong quá trình phát triển, tuy cũng có một số doanh nghiệp lớn không thể vượt qua những biến động thị trường đã buộc phải phá sản hoặc giảm quy mô nhưng cũng có những doanh nghiệp vượt lên, mở rộng quy mô sản xuất và những doanh nghiệp mới hình thành và hiện tại hầu hết đều là những doanh nghiệp lớn của ngành tôm với doanh số xuất khẩu hàng năm trên trăm triệu đôla Mỹ mỗi doanh nghiệp. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp chế biến tôm trong tỉnh càng được khẳng định hơn trong 6 tháng đầu năm nay qua con số tăng trưởng chung khoảng 15%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trung bình của toàn ngành, dù trong bối cảnh khó khăn về dịch Covid-19.
 
Bên cạnh sự phát triển các vùng nuôi tôm thâm canh của các hộ nuôi còn có sự phát triển khá mạnh những vùng nuôi quy mô lớn rộng hàng trăm hécta của các doanh nghiệp, như: Sao Ta, Cleanfood, Stapimex, Khánh Sủng... cùng với trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng cao, đã góp phần tạo sức cạnh tranh không chỉ cho doanh nghiệp, mà còn cho con tôm trong tỉnh. 
 
Sự lớn mạnh của ngành tôm Sóc Trăng thời gian qua và được dự báo sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới không thể không nhắc đến vai trò của ngành nông nghiệp và nhất là những định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh cho ngành tôm qua các nhiệm kỳ. Trong lần trao đổi với chúng tôi trước đây, ông Lương Minh Quyết – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng khẳng định: “Nuôi tôm nước lợ theo hình thức thâm canh và bán thâm canh là hướng đi đã được lãnh đạo tỉnh và ngành Nông nghiệp Sóc Trăng xác định ưu tiên hàng đầu ngay từ những ngày đầu phát triển nghề nuôi và hiện đang được phát triển lên mức ngày càng cao hơn”. Cũng theo ông Quyết, việc ưu tiên phát triển hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh nhằm hướng đến 2 mục tiêu chính là: nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi và tạo nền tảng tốt cho việc ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong nuôi tôm, đảm bảo phát triển nghề nuôi hiệu quả và bền vững.
 
Với những thế mạnh hiện có, Sóc Trăng hoàn toàn có thể tự tin vào một tương lai không xa sẽ trở thành tỉnh trọng điểm của ngành tôm cả nước, đặc biệt là về giá trị kim ngạch xuất khẩu.
 
TÍCH CHU - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu