Thứ năm, 01/04/2021,07:25 (GMT+7)
Triển vọng từ mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi
Thời gian qua, Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota (thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh) triển khai mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi gà vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Khai thác tiềm năng từ mô hình này, Trang trại Ecodota còn tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota tận dụng phế phẩm trong chế biến nông sản để làm thức ăn cho ruồi lính đen
 
Tạo nguồn thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen
 
Trong những ngày đầu hoạt động, mô hình nuôi ruồi lính đen của Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota chỉ có vỏn vẹn một khu nuôi ruồi lính đen và chứa phế phẩm nông sản. Sau thời gian thực hiện mô hình hiệu quả, đến nay, Trang trại này đã mở rộng diện tích canh tác với khoảng 5.000m2 chia ra làm 5 khu vực phục vụ cho quy trình sản xuất: nhập nguyên liệu chế biến, nuôi ấu trùng, xử lý phân, chứa nguyên liệu sau chế biến, khu chăn nuôi.
 
Theo anh Võ Duy Khánh - chủ Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota, điểm nhấn của phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ đó là không gây ra mùi hôi, nguồn nước thải, gây hiệu ứng nhà kính và làm giảm thể tích chất thải đến 90%. Một ưu điểm khác của phương pháp này là giảm thiểu đáng kể chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải hữu cơ. Thức ăn của loài sinh vật này chủ yếu từ các loại rau, củ, quả, thức ăn thừa... Mỗi ngày, trang trại thu mua 6 - 10 tấn rác thải phụ phẩm từ chế biến xoài trên địa bàn huyện Cao Lãnh làm thức ăn cho ấu trùng.
 
Bên cạnh đó, ấu trùng ruồi lính đen cũng là nguồn thức ăn hấp dẫn và giàu dinh dưỡng để nuôi gà... Theo nghiên cứu, trong ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là thành phần của amino acid, hàm lượng chất béo, hàm lượng chất khoáng khá đầy đủ và khá cao, thích hợp cho việc làm thức ăn chăn nuôi gà. Độ đạm trong ấu trùng tươi chiếm từ 20 - 22%, có hệ vi sinh vật cộng sinh trong đường tiêu hóa và hàm lượng canxi cao thuận lợi làm thức ăn cho động vật. Từ những ưu điểm này, anh Võ Duy Khánh sử dụng ấu trùng làm thức ăn cho gà với tổng đàn hơn 2.000 con để cung ứng cho thị trường. Kết quả qua chăn nuôi, việc sử dụng ấu trùng ruồi lính đen làm thức ăn chăn nuôi gà giúp anh Khánh tiết kiệm được khoảng 20 - 30% chi phí sản xuất.

Ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm nguồn thức ăn cho vật nuôi
 
Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết: “Tuy là mô hình mới nhưng mô hình nuôi ruồi lính đen của Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong việc giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Mặt khác, mô hình còn cung cấp nguồn thức ăn lớn cho các loại vật nuôi, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, để tạo ra giá trị bền vững, thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ đơn vị trong việc đăng ký chất lượng sản phẩm, thương hiệu và thiết kế bao bì nhãn mác...”.
 
Chế phẩm mới từ ruồi lính đen
 
Tiếp tục phát huy và tận dụng triệt để tiềm năng từ mô hình ruồi lính đen, sau thời gian nghiên cứu, anh Võ Duy Khánh vừa cho ra đời 2 sản phẩm dịch thủy phân ruồi lính đen và phân hữu cơ vi sinh.

Thức ăn của ruồi lính đen sau khi hoai mục có thể làm phân bón hữu cơ cho cây trồng
 
Anh Võ Duy Khánh cho biết: “Sau quá trình nghiên cứu thị trường và thực tế sản xuất, tôi cùng các anh em quyết định nghiên cứu thêm sản phẩm dịch thủy phân. Chế phẩm này có chức năng bổ sung các enzym và acid amin giúp tăng chất lượng thức ăn, tạo mùi hấp dẫn kích thích tôm cá ăn nhiều, mau lớn, rút ngắn thời gian nuôi, tăng độ kết bám và tạo màng bảo vệ cho các chất bổ sung hoặc thuốc điều trị vào khẩu phần thức ăn. Bên cạnh đó, dịch thủy phân có ưu điểm giúp bổ sung đạm trong chăn nuôi, thủy sản; cải thiện sự tăng trưởng, giảm tiêu hao thức ăn; giảm tỷ lệ bệnh cho heo, gà, tôm, cá”.

2 sản phẩm mới chuẩn bị ra mắt thị trường
 
Từ nguồn nguyên liệu ấu trùng của ruồi lính đen sẵn có, anh Khánh đem chiết xuất thành chế phẩm dịch thủy phân nhằm phục vụ trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Riêng phân ấu trùng ruồi lính đen còn lại (trông như bã cà phê, màu đen hoặc nâu đậm và nhuyễn) được xem như là một loại phân hữu cơ, giàu dinh dưỡng và nhiều lợi khuẩn. Sản phẩm này dùng để bón bổ sung cho cây trồng hoặc cải tạo đất bạc màu.
 
Với mô hình này, ngoài việc bảo vệ môi trường còn tạo được việc làm cho nhiều lao động, vừa xử lý được nguồn rác thải, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho chăn nuôi và trồng trọt. Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết: “Thời gian qua, mô hình hoạt động của Trang trại nông nghiệp sinh thái Ecodota cho thấy hiệu quả từ việc tận dụng phế phẩm trong chế biến nông sản để tạo ra sản phẩm có giá trị. Bên cạnh đó, đơn vị này đang nghiên cứu và cho ra đời 2 sản phẩm mới tạo ra sự đa dạng về sản phẩm sinh học cho cây trồng và vật nuôi, góp phần nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp tại địa phương”.
 
Chia sẻ về định hướng sản xuất trong thời gian tới, anh Võ Duy Khánh cho biết: “Để nâng cao giá trị sản phẩm từ ruồi lính đen, tôi sẽ tiếp tục thu mua phế phẩm xoài, mở rộng diện tích nuôi ấu trùng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời triển khai các giải pháp nhằm tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm mới”.
 
TRANG HUỲNH - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu