Thứ hai, 25/05/2020,10:15 (GMT+7)
Trường học đừng chủ quan với bệnh truyền nhiễm
Ngoài dịch bệnh Covid-19 vẫn được tỉnh chỉ đạo kiểm soát tốt, thì các bệnh truyền nhiễm khác có nguy cơ lây lan trong trường như bệnh tay - chân - miệng, thủy đậu, sởi,... cũng cần được quan tâm phòng dịch đúng mức, không được chủ quan, nhất là với trường mầm non, mẫu giáo.
Các cô giáo ở Trường mẫu giáo Tân Bình 2 tích cực thực hiện các giải pháp phòng dịch bệnh truyền nhiễm, chú trọng vệ sinh phòng, lớp cẩn thận.
 
Đã kiểm soát chặt chẽ
 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tân Bình 2, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp: “Mỗi ngày 2 lần sáng đón trẻ và chiều đưa trẻ về trường đều đo thân nhiệt cho các em. Trường được trang bị đầy đủ điều kiện để các em thực hành rửa tay thường xuyên phòng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều bệnh truyền nhiễm khác cũng được chủ động phòng như tay - chân - miệng, thủy đậu,... vì các bệnh này rất dễ lây lan trong lớp học nếu có trẻ mắc bệnh. Hoạt động vệ sinh trường lớp học và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cho trẻ được thực hiện với tần suất nhiều hơn. Các cô giáo vệ sinh, lau sàn mấy lần trong ngày học và hàng tuần đều lau sát khuẩn bằng cloramin B”. Nhờ kiểm dịch chặt chẽ, nên hơn nửa tháng qua không có cas bệnh truyền nhiễm ghi nhận ở trường.
 
Khẳng định vai trò của giáo viên phụ trách lớp quyết định hiệu quả phòng dịch. Trường đã yêu cầu giáo viên các lớp giám sát chặt chẽ sức khỏe trẻ lớp mình nhằm phát hiện sớm nhất nếu có trẻ mắc bệnh và ngăn sự lây nhiễm bệnh cho những trẻ khác kịp thời. Cô Phạm Thị Mỹ Vân cho biết: “Bệnh Covid-19 thì mới, nhưng bệnh tay - chân - miệng và các bệnh truyền nhiễm khác cũng đã được thực hiện các biện pháp phòng nhiều năm qua. Nhận trẻ vào lớp tôi luôn để ý kiểm tra, nếu có trẻ bệnh sẽ thông báo để phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh”.
 
Với điều kiện cơ sở trường lớp không được khang trang và tiện nghi như những điểm trường mầm non mẫu giáo khác của tỉnh, nhưng các cô giáo ở Trường Mầm non Anh Đào, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, luôn cố gắng làm hết mình để bảo vệ trẻ không lây nhiễm các dịch bệnh truyền nhiễm. Bà Triệu Thị Em, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Anh Đào, cho biết: “Trẻ học ở trường khá đông với trên 500 em mà cơ sở chật hẹp, khu vệ sinh chung rất bất tiện cho việc phòng dịch. Trường bố trí các bồn rửa tay ở khu vệ sinh và các cô giáo sẽ đưa trẻ xuống khu vực này để rửa tay. Mỗi lớp học đều được trang bị xà phòng. Ban Giám hiệu trường cũng chỉ đạo tăng cường tuyên truyền để phụ huynh phối hợp tốt trong thực hiện phòng bệnh cho trẻ”.
 
Theo ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành A: “Trước khi trẻ vào học trở lại thì hoạt động phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ và thường xuyên bên cạnh hoạt động dạy và học ở tất cả các trường, trong đó có các điểm trường mầm non, mẫu giáo. Điều kiện cơ sở trường lớp đa số có thể đảm bảo yêu cầu vệ sinh phòng dịch. Các trường cần chỉ đạo và kiểm tra thường xuyên việc thực hành phòng dịch của cô giữ trẻ và trẻ. Đảm bảo không để trẻ bị lây nhiễm bệnh truyền nhiễm trong trường”.
 
Dịch bệnh luôn tiềm ẩn, đừng lơ là !
 
Những tháng đầu năm tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết có giảm sâu so với cùng kỳ năm 2019 và nhiều loại dịch bệnh khác hầu như rất ít xảy ra. Đến ngày 21-5, tỉnh ghi nhận 46 cas bệnh sốt xuất huyết, giảm 69 cas so với cùng kỳ năm 2019; ghi nhận 39 cas bệnh tay - chân - miệng, giảm 111 cas. Theo ông Nguyễn Văn Lành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Những tháng đầu năm, ngành y tế tập trung để phòng chống dịch Covid-19, tuy nhiên các hoạt động phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì và đã lên kế hoạch ngay từ đầu năm. Tất cả các cas bệnh được ghi nhận đều được giám sát kịp thời và đúng quy định nhằm phòng tránh lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Ngay khi trẻ chuẩn bị trở lại trường học, chúng tôi đã chỉ đạo lồng ghép thực hiện phòng tất cả các loại bệnh chứ không phải riêng bệnh Covid-19. 100% điểm trường đã được phun thuốc sát khuẩn và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chỉ đạo pha thuốc sát khuẩn với tỷ lệ theo hàm lượng có thể phòng bệnh tay - chân - miệng chứ không riêng phòng Covid-19, do hàm lượng pha phòng Covid-19 sẽ thấp hơn”.
 
Theo nhận định của ngành y tế, tình hình dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, nếu lơ là phòng dịch, không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ dịch bệnh sẽ bùng phát, lây nhiễm rất cao. Đặc biệt trong điều kiện sắp vào mùa mưa, thì bệnh sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ gia tăng do điều kiện thuận lợi để lăng quăng sinh sôi nảy nở.
 
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngành y tế sẽ triển khai Chiến dịch ASEAN phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay - chân - miệng, bệnh do vi-rút zika dự kiến vào ngày 15-6 để phát động cao điểm tuyên truyền và thực hành các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Trong đó, vai trò tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh của các trường mầm non, mẫu giáo là rất quan trọng. Các trường cũng là kênh tuyên truyền tích cực để phụ huynh hiểu và cùng phòng bệnh tốt cho con em khi ở gia đình. Góp phần cùng cả tỉnh kiểm soát tốt, giảm các cas nhiễm nhằm đạt mục tiêu đề ra của tỉnh trong năm 2020.
 
Bài, ảnh: HỒNG DIỄM - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu