Ngay từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, ngành y tế chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành y tế đã chủ động tham mưu và xây dựng đầy đủ, chi tiết các văn bản chỉ đạo, các hướng dẫn chuyên môn đồng thời luôn chuẩn bị sẵn sàng một số lượng lớn về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất để bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch. Những ổ dịch nhanh chóng được khoanh vùng, xử lý sớm; số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số… Ngành y tế kiên trì quan điểm cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn sự lây lan. Cơ chế cách ly của Việt Nam được thiết kế chi tiết, bảo đảm mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và những người tiếp xúc gần đều phải được cách ly. Ngoài yêu cầu mọi người nhập cảnh phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, ngay từ giai đoạn đầu, cơ chế bốn vòng cách ly đã được thực thi, giúp cắt đứt, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch trong thời gian ngắn.
Từ dịch Covid-19 cũng cho thấy sự lớn mạnh của hệ thống xét nghiệm trong cả nước. Ðến tháng 2-2021, Việt Nam đã xét nghiệm Covid-19 cho khoảng hơn 2,2 triệu mẫu tại 96 đơn vị được khẳng định kết quả xét nghiệm. Năng lực xét nghiệm đó hoàn toàn có thể đáp ứng tình huống dịch xảy ra trên diện rộng.
Trong công tác điều trị, việc phân tuyến được duy trì nghiêm ngặt, do đó không dồn ca dương tính về bệnh viện lớn. Người nhiễm Covid-19 được phát hiện ở địa phương nào sẽ được điều trị bởi chính thầy thuốc ở địa phương đó. Bộ Y tế cũng liên tục cập nhật phác đồ điều trị, thiết lập hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các chuyên gia hàng đầu hỗ trợ tuyến dưới cùng các đội cơ động phản ứng nhanh. Ðến nay, nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã thu dung, điều trị khỏi các ca nhiễm Covid-19.
Sự chủ động về hậu cần cũng là yếu tố quan trọng để Việt Nam chiến thắng đại dịch. Ngành y tế phối hợp các bộ, ngành và các địa phương chủ động chuẩn bị hậu cần, bao gồm tất cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, sinh phẩm, khẩu trang, trang thiết bị phòng hộ nhằm tạo những tiền đề vững chắc phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhiều trang, thiết bị sản xuất trong nước được viện trợ, trao tặng các nước để chung sức chống Covid-19.
Ngay từ tháng 2-2020, khi ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã nuôi cấy và phân lập thành công vi-rút SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Việt Nam trở thành một trong bốn nước trên thế giới (khi đó) làm được việc này. Nó vừa giúp nhận diện rõ được "kẻ thù"; đồng thời là tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển sinh phẩm xét nghiệm cũng như vắc-xin phòng bệnh. Ðáng chú ý, đến nay, Việt Nam có bốn nhà sản xuất tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, trong đó ba nhà sản xuất có sản phẩm chính thức (một sản phẩm chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và hai sản phẩm chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn một). Dự kiến đầu năm 2022, Việt Nam sẽ có vắc-xin Covid-19 sản xuất trong nước để đưa vào sử dụng, khi đó chúng ta sẽ giành thế chủ động trong cuộc chiến chống lại Covid-19.
Suốt một năm qua, phương châm chống dịch "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện và vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), luôn được chú trọng, đề cao và đạt kết quả tốt. Ngoài Ban Chỉ đạo quốc gia còn có 63 ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, thành phố; tuyến quận, huyện, xã, phường đều đã huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể tham gia để bảo đảm triển khai toàn diện các biện pháp phòng, chống dịch mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp đưa ra, phù hợp điều kiện từng địa phương. Mặt khác, mô hình tổ Covid-19 cộng đồng cũng được đánh giá rất cao và độc đáo. Hàng chục nghìn tổ Covid-19 cộng đồng được thành lập ở các địa phương đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chính quyền và ý thức của người dân, nhanh chóng chặn đứng sự bùng phát của các đợt dịch.
Một giải pháp "chưa từng có trong tiền lệ" được ngành y tế triển khai ứng phó với dịch Covid-19 đã đem lại hiệu quả rất lớn. Hàng trăm thầy thuốc là chuyên gia đầu ngành của các đơn vị tuyến trên: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới T.Ư, Ðại học Y Hà Nội, Chợ Rẫy… được chi viện cho các điểm nóng Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ðiện Biên, Hải Dương… Một số trung tâm y tế, thậm chí nhà thi đấu thể thao cũng được thiết lập thành bệnh viện dã chiến, là nơi tiếp nhận điều trị cho người bệnh Covid-19. Liên tiếp những cuộc hội chẩn trực tuyến toàn quốc với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành tại nhiều điểm cầu khắp cả nước vừa hỗ trợ kịp thời về chuyên môn cho bác sĩ tuyến dưới vừa kịp thời cứu chữa nhiều người mắc Covid-19 nặng…
Cuộc chiến với Covid-19 sẽ còn tiếp diễn. Nhưng với sự trưởng thành của ngành y tế và những kinh nghiệm chống dịch tích lũy được, chúng ta hoàn toàn tin tưởng một lần nữa phần thắng lại thuộc về Việt Nam.