Thứ bảy, 28/11/2020,07:57 (GMT+7)
Truyền thông góp phần bảo tồn đa dạng sinh học
Ngày 27-11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học, với chủ đề “Giải pháp truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”.
Toàn cảnh Hội thảo.
 
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động thuộc dự án Chương trình động vật hoang dã Châu Á tại Việt Nam, được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
 
Trên 30 tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo từ các đại diện ban, cơ quan Đảng Trung ương và một số bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung phân tích những chính sách, thực tiễn triển khai, thành công và hạn chế; kinh nghiệm bảo tồn động vật hoang dã thông qua các công cụ pháp lý và truyền thông thay đổi hành vi từ Trung Quốc và Úc; cũng như đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, trong đó có truyền thông, nhằm tăng cường thay đổi hành vi và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và bảo tồn động, thực vật hoang dã tại Việt Nam; …
 
Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới với nhiều hệ sinh thái tự nhiên khác nhau, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Các loài động vật, thực vật hoang dã có vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo đảm các hệ sinh thái là những hệ thống hoàn chỉnh; góp phần cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái cho sự phát triển bền vững, mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người. Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng góp to lớn cho nền kinh tế, đặc biệt là trong các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, y dược; là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; duy trì nguồn gen tạo giống vật nuôi, cây trồng; cung cấp vật liệu cho xây dựng và là các nguồn dược liệu, thực phẩm… 
 
Theo báo cáo quốc gia lần thứ sáu đối với Công ước Đa dạng sinh học, Việt Nam hiện có khoảng loài 51.400 sinh vật đã được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 loài/chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng loài 10.900 động vật trên cạn; khoảng loài 2.000 động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Trong đó, nhiều loài có giá trị lớn cho việc bảo tồn, đóng góp cho khoa học và khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của đa dạng sinh học Việt Nam như Sao la, Cheo cheo lưng bạc, mang lớn, mang trường sơn, thỏ vằn, Voi Châu Á, Bò rừng, Bò xám, Hổ, Báo, Hươu sao, các loài linh trưởng, các loài rùa biển và rùa cạn, nước ngọt... Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) cũng đã xác định Việt Nam được có 63 vùng chim quan trọng).
 
Về tính đặc hữu, khu hệ động vật Việt Nam khá giàu về thành phần loài và có mức độ cao về tính đặc hữu so với các nước trong vùng Đông Dương. Trong số 21 loài khỉ có trong vùng này thì Việt Nam có 15 loài, trong đó có 7 loài và phân loài đặc hữu. Trong vùng này có 49 loài chim đặc hữu thì Việt Nam đã có 33 loài, trong đó có 10 loài đặc hữu của Việt Nam.
 
Dựa trên kết quả điều tra cơ bản các vùng lãnh thổ khác nhau ở Việt Nam, một số loài mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi, loài mới có giá trị khoa học. Trong tổng số 139 loài động, thực vật được tìm thấy có 90 loài thực vật, 23 loài bò sát, 16 loài lưỡng cư, 9 loài cá và 1 loài động vật có vú. Từ năm 2014 đến 2018, có 344 loài mới cho khoa học gồm 208 loài động vật, 136 loài thực vật, đã được mô tả và công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín và Tạp chí Sinh học của Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam (Báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước Đa dạng sinh học).
 
Tuy nhiên, theo thống kê số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà giảm mạnh, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng rất cao. Như loài Giải sin-hoe (Rùa hồ gươm) (Rafetus swinhoei); các loài thú lớn khác như Voi (Elephas maximus), Hổ (Panthera tigris), Mèo lớn (Felidae spp.), Gấu (Ursus spp.), Tê tê (Manis spp.) cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng nếu không có biện pháp bảo vệ kiên quyết và hiệu quả. Sao la – một loài thú đặc hữu của dãy Trường sơn, cũng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
 
Theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN Redlist, cập nhật tháng 11 - 2020), số lượng loài bị đe dọa phân bố ở Việt Nam là 745 loài bao gồm 64 loài thú, 53 loài chim, 70 loài bò sát, 45 loài lưỡng cư và 96 loài cá. Tổng số các loài động, thực vật hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là 882 loài, trong đó số loài động vật quý, hiếm tăng từ 365 loài (năm 1992) lên 418 loài (năm 2007), thực vật quý, hiếm tăng từ 356 loài (năm 1996) lên 464 loài (năm 2007), trong đó có 116 loài đang ở mức nguy cấp rất cao và 9 loài chuyển từ các mức nguy cấp khác nhau (năm 2004) lên mức coi như đã tuyệt chủng (trong số 9 loài này có tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá sấu hoa cà, hươu sao).
 
Công tác kiểm kê loài năm 2016 đề xuất đưa 1.211 loài vào Sách đỏ cập nhật, bao gồm 600 loài thực vật và nấm và 611 loài động vật. Do đó, so sánh với Sách đỏ năm 2007, số lượng loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng tăng đáng kể…
 
Việc tăng cường bảo tồn các loài hoang dã hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn ĐDSH.
 
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã tiếp tục có sự thay đổi, điều chỉnh. Cùng với sự hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, Luật Lâm nghiệp 2017), pháp luật về thủy sản (Luật Thủy sản 2004 và sửa đổi 2017), pháp luật về đầu tư-kinh doanh (Luật Đầu tư 2014), thì Luật đa dạng sinh học năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2009 là văn bản pháp lý điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài hoang dã, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
 
Để hướng dẫn thực thi các Luật nêu trên, Chính phủ cũng đã ban hành các văn bản dưới Luật. Bên cạnh đó, các văn bản chính sách cũng đã được xây dựng nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm. Ngoài ra, các văn bản về xử lý vi phạm cũng được ban hành tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã…
 
Các chương trình bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; chương trình giám sát quần thể loài hoang dã ngoài tự nhiên và xây dựng hành lang đa dạng sinh học tại các một số tỉnh cũng được triển khai nhằm bảo đảm, góp phần duy trì, bảo vệ sinh cảnh cho một số loài mục tiêu.
 
Tính đến năm 2018, Việt Nam có 172 KBT với tổng diện tích 2.493.843,67 ha ở các vùng địa lý trên đất liền và các vùng sinh thái biển, bao gồm 33 Vườn quốc gia (VQG), 65 Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN), 18 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh (KBTL&SC); và 56 Khu bảo tồn cảnh quan (KBTCQ). Diện tích của các KBT trên cạn là 2.269.426 ha, chiếm 6,84% lãnh thổ. Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH quốc gia dự kiến đến năm 2030, mạng lưới KBT của Việt Nam sẽ mở rộng thêm với tổng diện tích 3.067.000 ha.
 
Song song với việc xây dựng và ban hành các quy định, chính sách pháp luật, các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật và các tổ chức bảo tồn cũng nỗ lực tổ chức thực thi pháp luật. Theo Tòa án Nhân dân Tối cao, từ năm 2015 – 2017, Tòa đã thụ lý 231 vụ vi phạm về bảo vệ ĐVHD với 339 bị cáo, đã có 37 bị cáo bị phạt tù dưới 3 năm và 3 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm.
 
Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức trong thời gian vừa qua đã được đẩy mạnh với sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức NGOs về bảo tồn.
 
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn động, thực vật hoang dã ở nước ta trong thời gian tới, nhiều chuyên gia đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp; Tăng cường nguồn lực, năng lực cho công tác quản lý và thực thi pháp luật để bảo tồn hiệu quả tại chỗ và chuyển chỗ các loài nguy cấp; Xây dựng, mở rộng mối quan hệ đối tác và mở rộng quy mô, thể chế hóa các chiến dịch thay đổi hành vi, làm giảm nhu cầu tiêu thụ các loài nguy cấp; Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về bảo tồn loài; đồng thời, Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo tồn loài;
 
Nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh, để tạo ra sự thay đổi hành vi trong bảo vệ động, thực vật hoang dã, công tác thông tin, truyền thông phải có các phương pháp tác động thích hợp, dựa trên các nghiên cứu khoa học về cơ chế thay đổi hành vi của cá nhân, nhóm xã hội. Cơ chế này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chủ thể của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm nội dung, ngôn ngữ của tác động thông tin, truyền thông; đặc điểm môi trường, bối cảnh nơi diễn ra tác động thông tin, truyền thông... Việc áp dụng khoa học thay đổi hành vi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có vị thế, uy tín trong xã hội.
 
Trong kết luận Hội thảo, GS.TS.Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương nhấn mạnh: Việc bảo vệ động, thực vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam là xuất phát từ nhu cầu sống của chính chúng ta, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, tôn vinh giá trị văn hoá và giá trị con người Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông thay đổi hành vi bảo vệ động, thực vật hoang dã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bên cạnh vai trò của các phương tiện, hình thức thông tin như báo chí, văn học nghệ thuật, tuyên truyền miệng, sinh hoạt cộng đồng, mạng xã hội…, thì trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần chú trọng hướng đến thay đổi cách ứng xử từ ứng xử chinh phục sang ứng xử cùng chung sống nhằm định hình giá trị biết chung sống, yêu quý và bảo vệ tự nhiên.
 
TS. NGUYỄN MINH PHONG
 
Theo (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu