Thứ ba, 05/05/2020,10:34 (GMT+7)
Tự bảo đảm 75% khối lượng chấm, trường đại học mới được thi riêng?
Một số trường đại học cho biết đang bàn phương án về Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 gồm 6 chương, 29 điều. Đáng chú ý, đối với các quy định dự kiến về tuyển sinh không dựa vào kết quả kỳ thi THPT đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, có ý kiến về việc quy định quá chi tiết về công tác tuyển sinh gây khó cho các trường.
Tự bảo đảm 75% khối lượng chấm, trường đại học mới được thi riêng?
Tại kỳ thi THPT quốc gia (Ảnh minh họa: THỦY NGUYÊN)
 
Dự thảo quy chế tuyển sinh gồm cả tuyển sinh đào tạo chính quy và tuyển sinh đào tạo vừa làm, vừa học, theo đặt hàng và liên thông. Trong đó về tuyển sinh chính quy quy định cụ thể về hai phương thức tuyển sinh là: Tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh không dựa vào kết quả kỳ thi THPT.
 
Theo một số trường đại học, Dự thảo quy chế tuyển sinh quy định về nguyên tắc chung, các trường chỉ tuyển sinh khi đáp ứng đủ các điều kiện được phép đào tạo theo quy định hiện hành. Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Căn cứ phương thức tuyển sinh, các trường xác định và công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong Đề án tuyển sinh, riêng nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và nhóm ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD - ĐT quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
 
Đối với tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT theo nguyên tắc sử dụng kết quả của ba bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển; không sử dụng nhiều hơn bốn tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành... Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
 
Đáng chú ý, đối với các quy định dự kiến về tuyển sinh không dựa vào kết quả kỳ thi THPT đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, các trường tổ chức riêng để tuyển sinh phải có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh (bộ phận chuyên trách). Lãnh đạo bộ phận chuyên trách phải có năng lực quản lý, có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan; trong đó có ít nhất một trong các lãnh đạo của bộ phận chuyên trách là người đã từng tham gia tổ chức các kỳ thi có tầm quan trọng với quy mô lớn hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên của một trong các chuyên ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành quản lý giáo dục và đã có kinh nghiệm trong công tác khảo thí hoặc quản lý đào tạo.
 
Về đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động thi riêng, các trường phải có đủ cán bộ cơ hữu tham gia xây dựng cấu trúc đề thi, câu hỏi và ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa… Có đủ cán bộ cơ hữu có năng lực về đo lường và đánh giá trong giáo dục để làm nhiệm vụ đánh giá, thẩm định các đặc tính của câu hỏi (độ khó, độ hiệu lực, độ phân hóa) và tạo lập các đề tương đương theo dạng thức đã công bố. Có đủ cán bộ chấm thi cho mỗi nội dung thi đối với thi tự luận, trong đó số cán bộ cơ hữu của trường phải đủ để đảm bảo tối thiểu 75% khối lượng chấm thi và các cán bộ được mời tham gia chấm thi phải có đủ tiêu chuẩn về chuyên môn, có hợp đồng ràng buộc và phân định trách trách nhiệm rõ ràng. Đối với các dạng thi trắc nghiệm, phải thực hiện chấm thi bằng máy.
 
Đối với đề thi, các trường phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi, trong đó số câu hỏi chuẩn hoá phải đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập cho mỗi môn thi hoặc bài thi; số câu hỏi tự luận đủ để xây dựng được ít nhất 10 đề thi độc lập. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được quản lý bằng phần mềm chuyên dụng để xây dựng các đề thi theo hình thức rút ngẫu nhiên, tự động đúng với cấu trúc đề thi đã được phê duyệt. Thực hiện quy trình để đảm bảo đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi được bảo mật trước, trong và sau khi thi; phải công bố đề thi mẫu (đề thi minh họa) trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng kí dự thi.
 
Theo một số chuyên gia giáo dục, việc quy định quá chi tiết về công tác tuyển sinh gây khó cho các trường. Bởi thực tế, kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây, để bảo đảm được đội ngũ xây dựng cấu trúc đề thi, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa; cán bộ chấm thi… Bộ GD-ĐT phải tập hợp nguồn cán bộ từ nhiều trường đại học, trường phổ thông mới đáp ứng được. Vì vậy, quy định khi trường đại học tổ chức thi riêng phải tự túc bảo đảm các yêu cầu như dự thảo là không hợp lý.
 
Việc tổ chức thi tuyển sinh riêng là theo mục tiêu, yêu cầu cụ thể các ngành đào tạo của từng trường. Vấn đề quan trọng là các trường tổ chức thi, xét tuyển bảo đảm chất lượng đầu vào, còn cách thức làm có sự khác nhau, không thể đưa ra các yêu cầu chung đồng nhất sẽ làm khó các trường.
 
Mặt khác, các trường đại học đào tạo nhân lực theo ngành nghề chứ không phải dạy học các môn cơ bản như hệ thống giáo dục phổ thông. Do đó không thể đòi hỏi có đội ngũ cán bộ, giảng viên đầy đủ các môn học cơ bản như giáo dục phổ thông được. Vì vậy, khi tổ chức thi riêng, các trường có thể mời các chuyên gia, giáo viên phổ thông có kinh nghiệm tham gia làm đề thi, chấm thi là bình thường. Đáng chú ý, việc đưa ra các quy định như dự thảo sẽ không đúng với tinh thần tự chủ tuyển sinh của các trường theo quy định Luật giáo dục đại học…
 
GIANG SƠN - HOA LÊ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu