Thứ tư, 01/07/2020,10:17 (GMT+7)
Tư vấn tâm lý học đường
Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) đưa vào hoạt động Tổ tư vấn tâm lý học đường như một giải pháp hữu hiệu giúp học sinh giải quyết các tình huống khó khăn trong cuộc sống cũng như định hướng tương lai.
Trường THPT Hồ Thị Kỷ có trên 3.400 học sinh theo học. Xác định công tác tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý, năm 2018, trường thành lập Tổ tư vấn tâm lý học đường với 6 thành viên là các thầy cô giáo có kinh nghiệm, đảm nhiệm các phần việc như: tư vấn học tập, định hướng nghề nghiệp, tâm lý lứa tuổi, tình cảm, sức khoẻ sinh sản, hôn nhân gia đình, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường…
Học sinh được giải đáp thắc mắc từ các thầy cô trong Tổ tư vấn tâm lý học đường.
 
Học sinh ở độ tuổi trung học phổ thông, tâm sinh lý có nhiều thay đổi bất ổn. Các em vừa áp lực về học tập, lại dễ bị tác động bởi các mối quan hệ xã hội phức tạp. Tổ tư vấn tâm lý học đường là nơi chia sẻ, là chỗ dựa tinh thần giúp các em nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách hợp lý.
 
Thầy Quách Minh Gia, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý học đường, cho biết: “Các thành viên của tổ hầu hết kiêm nhiệm nhưng hàng năm đều tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về tâm lý. Tổ trở thành nơi lắng nghe, chia sẻ, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, hỗ trợ các em học sinh trong việc học tập và các mối quan hệ trong xã hội”.
 
Cô Nguyễn Tuyết Hường, thành viên Tổ tư vấn tâm lý học đường, chia sẻ: “Mục đích của tổ là phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi cần thiết đối với những học sinh đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập, cuộc sống, giúp các em tìm hướng giải quyết phù hợp. Từ đó, giảm những tác động tiêu cực có thể xảy ra cho các em, để các em học hành trong môi trường lành mạnh, thân thiện, không bạo lực. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ, rèn luyện kỹ năng sống, củng cố niềm tin, ý chí, bản lĩnh, để các em ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ xã hội”.
 
Tuỳ theo từng chuyên đề, Tổ tư vấn tâm lý học đường sẽ có hình thức tuyên truyền khác nhau. Tổ phối hợp với giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình, chủ động tư vấn kịp thời, không chờ học sinh đến tư vấn. Bên cạnh đó, còn lồng ghép thông tin hoạt động của tổ thông qua những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp nhằm khuyến khích học sinh đến gặp trực tiếp các thành viên trong tổ, để thầy cô hỗ trợ các em.
 
Là học sinh cuối cấp, em Trần Phương Thảo (lớp 12B) gặp không ít áp lực khi chọn ngành nghề. “Từ nhỏ, em có ước mơ thi vào ngành y, dược nhưng cha mẹ em lại hướng em học theo ngành du lịch. Nhưng khi lắng nghe nguyện vọng của em, trò chuyện với thầy cô, cha mẹ em hiểu em hơn, cuối cùng cha mẹ đã đồng ý cho em chọn ngành em yêu thích”.
 
“Có một bạn khác giới bày tỏ tình cảm với em nhưng em còn phân vân không biết xử lý tình huống như thế nào nên em tâm sự với cô giáo. Cô đã phân tích cho em hiểu, ở lứa tuổi tụi em có những thay đổi về tâm sinh lý, nên chú tâm vào việc học, đừng để chuyện tình cảm làm ảnh hưởng”, em Nguyễn Kiều Phương, lớp 12B, chia sẻ.
 
Thầy Quách Minh Gia thông tin thêm: "Để thực hiện hiệu quả hơn công tác tư vấn tâm lý học đường, nhà trường sẽ nâng cấp, sửa chữa 1 phòng học thành phòng tư vấn tâm lý học đường nhằm tạo không gian riêng tư, kín đáo để học sinh có thể thoải mái, không phải ngại ngùng khi giãi bày tâm sự với thầy cô”./.
 
Tiểu Ái - (baocamau.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu