Thứ hai, 19/10/2020,14:25 (GMT+7)
Tục thờ linh vật tại đền, chùa ở Cà Mau
Tại Cà Mau, chuyện thờ tự linh vật tại các chùa chiền phản ánh tiến trình khai hoang mở cõi, mang đậm dấu ấn về phong tục tín ngưỡng của từng dân tộc.
 
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, linh vật được người Việt trân trọng và xuất hiện ở những nơi tôn nghiêm. Từ thời vua Hùng, những hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh, sự kiêu hãnh được người Việt cổ thờ tự và điêu khắc trên nhiều vật dụng trang trí, đồ thờ cúng như chim hạc, rồng, phụng, rùa, voi, hổ... Nối tiếp tiến trình dựng nước, những con vật gần gũi với đời sống thường nhật một lần nữa được “nhân hoá” thành những linh vật, biểu tượng linh thiêng được người dân trân trọng, tôn thờ.
 
Tại Cà Mau, tuỳ theo mỗi thể thức thờ tự, linh vật xuất hiện với nhiều vai trò và được nhìn nhận với ý nghĩa tâm linh khác nhau. Dạo một vòng chùa Thiền Lâm (phường Tân Thành, TP Cà Mau) dễ dàng nhận thấy hình tượng rồng, chim hạc góp mặt trong các mảng phù điêu, cột trụ, sân chùa.
 
Sư cô Thích Nữ Diệu Giác (Trụ trì chùa Thiền Lâm) dẫn giải: “Đây là 2 hình tượng phổ biến trong các kinh sách của Phật giáo, rồng tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ, chim hạc là biểu tượng cho sự cao quý, ấm êm”.
 
Ngược về quá trình khai hoang mở cõi, những cư dân đầu tiên vào khai phá vùng đất Nam Bộ phải đối đầu với nhiều khó khăn. Nhân dân ở đây vẫn lưu truyền câu nói: “Nghe tiếng chim kêu cũng phải sợ, con cá vẫy vùng cũng thấy lo”. Cùng với những con vật như rắn, cá sấu, thì hổ cũng là đối tượng mà những cư dân thời ấy phải dè chừng, đối phó, chinh phục. Có lẽ vì thế, ở các đình miếu ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về hổ, người ta khiếp sợ và tôn thờ hổ, gọi hổ bằng từ ngữ tôn kính “ông Hổ”.
 
Cá Ông - một linh vật linh thiêng được ngư dân tôn thờ, sùng bái. (Ảnh chụp tại Lăng Ông Nam Hải, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời).
 
Cặp rồng chầu uy nghiêm trước sân chùa Thiền Lâm (phường Tân Thành, TP Cà Mau).
 
Là một trong những ngôi miếu có lịch sử hình thành gần trăm năm, hình tượng “ông Hổ” tại miếu Bà Chúa Xứ (Phường 6, TP Cà Mau) thể hiện qua bức phù điêu được vẽ lên các gian thờ. Nổi bật giữa bức tranh là hình một con cọp lông vàng, vằn đen, tư thế khắc hoạ sau một cú nhảy chân trước vừa tiếp đất, gương mặt dữ tợn, răng nhe lởm chởm.
 
Ông Lữ Việt Nam, Trưởng ban Miếu hội Bà Chúa Xứ, giải thích: “Tục thờ “ông Hổ” hầu như ở chùa miếu nào cũng có không chỉ riêng ở Cà Mau. Theo quan niệm, hổ tượng trưng cho sức mạnh được người dân tôn kính với mong muốn cầu bình an và được bảo vệ, che chở”.
 
Đối với những ngư dân hàng ngày lênh đênh trên biển cả, niềm tin về một vị thần linh thiêng, phù hộ, chở che trước sự phẫn nộ của thiên nhiên rất lớn, bởi thế, từ lâu câu chuyện về cá ông (hay còn gọi là cá voi) rẽ sóng cứu ngư dân gặp nạn trên biển lưu truyền từ đời này sang đời khác, được nhiều thế hệ ngư dân tin tưởng, tôn thờ. Tại các cửa biển ở Cà Mau, từ lâu trong tâm thức, ngư dân ở đây luôn đặt niềm tin vào một sinh vật khổng lồ vừa “hiền” vừa “thiêng” là loài cá voi, mà họ gọi một cách kính trọng là cá Ông, hoặc Ông lớn. Mỗi khi gặp hoạn nạn sóng to, gió lớn, chìm tàu, ghe…, đầu tiên họ nghĩ và cầu cứu cá Ông. Hoặc những mùa biển thất bát, vào lăng Ông cúng, cầu xin thì mỗi chuyến ra khơi thuyền lại đầy tôm, cá.
 
Nhiều ngư dân cho rằng, họ đã được cá Ông giúp đỡ sau khi cầu cứu nên lập miếu thờ. Mỗi khi xác cá voi trôi dạt vào cửa biển ở đâu thì người dân nơi đó cho là điềm lành, xác cá được chôn cất cẩn thận, được cộng đồng thờ cúng tôn nghiêm.
 
Tại các cửa biển, miếu thờ cá Ông được xem như một nét đẹp trong văn hoá tín ngưỡng của người đi biển, giúp những ngư dân vững tâm cầm chắc tay lái cho những chuyến ra khơi.
Có thể nói, rất khó để chứng minh sự mầu nhiệm của những tín ngưỡng này, nhưng chắc chắn một điều khi có niềm tin con người sẽ thoải mái, an tâm và tin tưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn, sùng bái của cộng đồng cư dân trước thiên nhiên từ những ngày đầu mở đất.
 
Hữu Nghĩa - (baocamau.com.vn)
T/h: Ngọc Huyền - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu