Thứ tư, 11/09/2019,09:05 (GMT+7)
Túi tự phân hủy sau 2 tháng làm bằng cellulose sinh học
Nhóm các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM đã nghiên cứu, sản xuất ra một số sản phẩm từ vật liệu cellulose sinh học. Trong đó, túi sinh học có độ bền hơn túi ni-lông thông thường và tự phân hủy ở ngoài môi trường sau hai tháng.

Theo TS Phan Mỹ Hạnh, Phòng Công nghệ Vi sinh, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, cellulose sinh học được sản xuất bởi các chủng vi sinh vật trong môi trường lý tưởng. Khi được cung cấp đường ngọt làm thức ăn, các chủng vi sinh vật này tạo ra một lớp màng cellulose xung quanh cơ thể chúng. Cellulose sau đó được tổng hợp và sử dụng cho nhiều ứng dụng khác nhau. Cellulose có các tính chất độc đáo như độ tinh khiết cao, độ bền cơ học lớn và khả năng tương hợp sinh học mạnh mẽ. Cellulose sinh học có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp sản xuất giấy, dệt, thực phẩm, y tế, vi sinh – sinh học,…

Quy trình sản xuất túi sinh học tự hủy

Quy trình sản xuất túi sinh học tự hủy

Cụ thể, trong thực phẩm, dùng cellulose sinh học để sản xuất thạch dừa, các sản phẩm bổ sung thạch dừa, thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ, thực phẩm giảm cân, thịt nhân tạo, màng bao xúc xích, sản phẩm giảm huyết thanh cholesterol, phụ gia thực phẩm. Trong mỹ phẩm, y tế có thể dùng cellulose sinh học để sản xuất mặt nạ dưỡng da, chất ổn định, kem thoa da, chất làm dày và tăng cứng cho thuốc đánh bóng móng tay; khẩu trang lọc bụi, màng trị thương, bọc thuốc. Ngoài ra, cellulose sinh học còn dùng để sản xuất vật liệu composite, ứng dụng trong ngành dệt may,...

Túi sinh học

Túi cellulose sinh học có thể tự phân hủy sau hai tháng

Tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất cellulose sinh học từ chủng K. Nataicola sử dụng môi trường nuôi cấy BC-Nutri 2. Đây là môi trường nuôi cấy vi sinh vật lý tưởng cũng do nhóm nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM nghiên cứu và phát triển. Với BC - Nutri 2, giúp vi sinh vật tạo màng cellulose trong thời gian ngắn, sản phẩm cũng đẹp và an toàn hơn.

Sau khi thu được cellulose sinh học, nhóm tiếp tục nghiên cứu để sản xuất mặt nạ, tạo xơ sợi, túi sinh học phân hủy, màng trị bỏng, màng bọc trái cây,... 

Bài toán giá thành

Về túi sinh học phân hủy, loại túi này có độ bền hơn túi ni-lông thông thường và có thể phân hủy ở ngoài môi trường sau hai tháng. Với những tính chất nói trên, túi sinh học phân hủy có thể thay thế túi ni-lông truyền thống để bảo vệ môi trường.

TS Hạnh cho biết, xét về tính thị trường, giá thành sản xuất túi sinh học hiện nay khó có thể cạnh tranh với ni-lông thông thường, bởi nếu sản xuất quy mô phòng thí nghiệm thì giá một túi sinh học khoảng 2.000 đồng, quy mô công nghiệp khoảng 1.000 đồng/túi (kích thước tương đương với loại túi ni-lông giá 200 đồng/túi). 

"Để sản xuất túi sinh học, còn phải đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị với kinh phí không dưới 10 tỷ đồng cho 1.000 m2" - TS Hạnh nói.

Tuy nhiên, theo TS Hạnh, hiện một số nước như Hàn Quốc đã đánh thuế túi ni-lông, nên giá mỗi túi này cũng lên đến 1.500 - 2.000 đồng. Do Việt Nam chưa đánh thuế túi ni-lông nên TS Hạnh cho rằng, để khuyến khích người dân sử dụng túi sinh học, trước mắt có thể sản xuất loại túi lớn, dày hơn, với giá thành khoảng 10.000 - 15.000 đồng/túi để người dùng đi chợ hàng ngày.

"Hiện Việt Nam chưa thực sự có nhà máy sản xuất cellulose sinh học, mà chỉ là các cơ sở sản xuất thạch dừa thô nhỏ lẻ. Để giải quyết tận gốc bài toán giá thành, phải lập được dự án xây nhà máy, tạo ra lượng lớn cellulose giá thấp, cạnh tranh thì lúc đó mới có thể tính đến việc sản xuất đại trà túi sinh học thay thế túi ni-lông" - TS Hạnh chia sẻ.

Kiều Anh - (khoahocphattrien.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu