Các cơ sở chế biến khô vào vụ sản xuất phục vụ thị trường Tết
Để có được miếng khô cá lóc thơm ngon, người làm khô phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn những con cá tươi ngon, đánh vảy, làm sạch ruột, phi lê bỏ xương, ướp gia vị rồi mới đem phơi. Công đoạn phơi khô cũng rất quan trọng vì cá lóc phơi làm khô thường thu hút ruồi. Để không bị ruồi bu mà vẫn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lúc phơi, cứ 1-2 tiếng phải xịt lên thân cá một chút rượu trắng. Với cách làm này không chỉ giúp thịt cá bớt đi mùi tanh, mà còn thơm ngon hơn khi mang ra nướng. Nói là vậy, nhưng để có được 1 con khô có hương vị độc đáo, mỗi cơ sở làm nghề đều có “bí quyết” riêng ở từng công đoạn, sao cho giữ được hương vị và độ tươi ngon vốn có của nó, như vậy mới có thể giữ được uy tín và cạnh tranh trên thị trường.
Theo chủ cơ sở sản xuất khô cá lóc Minh Ký (thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn), khô ở đây sử dụng hoàn toàn bằng nguyên liệu cá tươi, ướp gia vị tự nhiên và được phơi trực tiếp bằng ánh nắng mặt trời, nên khô có hương vị thơm ngon rất đặc trưng. Hiện nay, khô cá lóc được bán với giá 250.000 đồng/kg, khô cá lóc rọc giá 260.000 đồng. Khô cá sặc bổi giá 200.000 đồng/kg, khô cá chạch giá 600.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ mặt hàng khô không chỉ gói gọn trong tỉnh mà còn mở rộng ra các địa phương khác như: TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp… và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh khô cá lóc, những năm gần đây, thị trường cá khô rất đa dạng với nhiều chủng loại, như: khô nhái (Tịnh Biên, Châu Thành); khô cá sặc bổi (xã Khánh An, An Phú), khô rắn (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), khô cá chốt, khô cá chạch… Theo anh Huỳnh Văn Dũng (chủ cơ sở sản xuất khô cá sặc ở xã Khánh An), để chuẩn bị cho nhu cầu thị trường Tết, ngay từ đầu tháng chạp, cơ sở đã đẩy mạnh sản xuất, nhận thêm nhân công để gia tăng sản xuất nhằm đáp ứng cho thị trường trước và trong Tết. Theo anh Dũng, giá khô từ đây đến Tết Nguyên đán sẽ không tăng hoặc nếu có tăng thì không đáng kể. “Do chủ động được nguồn nguyên liệu, được nhập từ Thái Lan và các tỉnh lân cận ở khu vực ĐBSCL, như: Đồng Tháp, Vĩnh Long… nên không xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu, từ đó giá khô được bình ổn, không tăng giá trong dịp Tết năm nay” - anh Dũng thông tin thêm.
Thị trường khô cuối năm được nhiều cơ sở trông đợi bởi nhu cầu thị trường tăng đột biến. Ngày nay, các mặt hàng khô An Giang đã đến nhiều nơi trong, ngoài tỉnh và được khách hàng rất ưa chuộng. Bên cạnh việc phát triển thị trường, tăng sản lượng chế biến để phục vụ nhu cầu ngày càng nhiều của người tiêu dùng, các cơ sở chế biến khô còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm gìn giữ uy tín, thương hiệu khô của địa phương, cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
ĐÌNH ĐỨC - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)