Thứ tư, 23/09/2020,08:00 (GMT+7)
Vật liệu nào cần cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long?
Dù đang đối mặt với những yếu tố bất lợi như biến đổi khí hậu, mặt trái của phát triển kinh tế - xã hội nhưng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang hướng tới sự phát triển bền vững và bảo tồn những giá trị văn hóa mang nét bản sắc riêng, đặc biệt là kiến trúc.
Bên cạnh thiết kế thì vật liệu xây dựng đóng vai trò lớn trong kiến trúc, giá trị một công trình. Đó là lý do, nhiều chuyên gia, kiến trúc sư đang trăn trở tìm kiếm vật liệu xây dựng mới phù hợp với khu vực này.
vat lieu nao can cho khu vuc dong bang song cuu long
Bản sắc kiến trúc của Đồng bằng sông Cửu Long cần được thể hiện từ các đô thị đến nông thôn.
 
Vật liệu tại chỗ giữ được nét riêng
 
TS. Lê Văn Quang - Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng chia sẻ: Một kiểu nhà ở đặc trưng, mang tính truyền thống của một vùng đất bao giờ cũng phải được xây dựng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản. Ngôi nhà đó phải phù hợp với điều kiện môi sinh trong vùng. Điều kiện kinh tế – xã hội cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề xây dựng nhà ở như khả năng tài chính, nhà cất trên đất trồng, nhà cất cặp mé sông… đều có những cấu trúc và nguyên vật liệu khác nhau.
 
Nếu đi khảo sát ở các vùng nông thôn thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy vật liệu cất nhà phổ biến của người dân xứ này là từ cây, lá… vốn là nguyên vật liệu sẵn có tại chỗ, giá rẻ, rất phù hợp với điều kiện môi sinh và điều kiện kinh tế của những người nông dân lao động. Gỗ tràm được xử lý qua quá trình hóa sinh tự nhiên bằng phương pháp ngâm nước dưới hầm, ao sẽ rất chắc chắn, dẻo dai, ít bị mối mọt đục khoét và lâu mục trong môi trường có độ ẩm cao. Một bộ cột bằng tràm được xử lý theo kinh nghiệm dân gian sẽ có khả năng sử dụng lâu đến hàng chục năm.
 
Còn lá dùng để lợp nhà là lá cây dừa nước. Loại cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được ở cả môi trường nước ngọt và nước lợ. Lá dừa nước còn có sức bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Từ lá cây dừa nước, người ta có thể làm ra các kiểu lá dùng để lợp mái hay làm vách khác nhau. Mỗi một kiểu lá đều có cách buộc dây riêng. Dây buộc gọi chung là dây lạt, chúng được làm từ bẹ hoặc chối lá non của cây dừa nước.
 
Tuy nhiên, những vật liệu truyền thống này lại không tạo nên những căn nhà vững chắc. Ths.KTS. Lê Thị Lan Phương – Phó trưởng Phòng Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ kiến trúc khẳng định: Hiện nay, bà con đã sử dụng vật liệu xây dựng chưa bền vững và chưa có tính thẩm mỹ cụ thể như tôn, rất dễ bị rỉ, đặc biệt là khi ngâm trong nước bị ngập. Tấm gỗ, lá, bạt, tấm nhựa ốp được sử dụng rất tạm bợ, thiếu tính thẩm mỹ. Mái lợp bro xi măng rất dễ bị lật khi có gió bão. Gạch, bê tông là những loại vật liệu nặng, khó vận chuyển đối thực trạng địa hình của các vùng ven biển. Giải pháp xử lý nền đất yếu đối với vật liệu bê tông cốt thép rất phức tạp, tốn kém nên các nhà xây bằng loại vật liệu này đa số chỉ xây móng, khung nhà chứ không đổ sàn. Gỗ địa phương làm bộ khung nhà thường là những thanh gỗ mảnh với kết cấu buộc không thể chống đỡ được bão và lốc xoáy.
 
Bên cạnh đó, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao gây nhiều hệ lụy như: Ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề.
 
Dựa trên các định hướng quy hoạch, chiến lược phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long gần đây về cơ bản, tổng thể kiến trúc nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia, kiến trúc sư khuyến nghị các cá nhân, tổ chức sử dụng những vật liệu xây dựng tiên tiến nhưng vẫn đảm bảo kết hợp hài hoà giữa cải tạo với xây dựng mới trong kiến trúc tổng thể của mỗi đô thị; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản kiến trúc; bảo tồn các giá trị đô thị sẵn có, không tác động quá mạnh đến cảnh quan thân thuộc với người dân… Đáp ứng những tiêu chí này là những giải pháp sử dụng vật liệu thay thế, tái chế, nhằm phát triển bền vững và tiết kiệm năng lượng.
 
Thay đổi để bền vững
 
Trên thực tế, các công trình xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng được chú trọng đến độ bền chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng, chi phí sản xuất, xây lắp, đặc biệt phải thích ứng với khí hậu tại nơi xây dựng.
 
Tuy nhiên, tại một số vùng nông thôn, người dân vẫn sử dụng vật liệu truyền thống như từ rơm rạ, tre nứa, lá dừa nước… để tiết kiệm chi phí và đáp ứng nhu cầu sử dụng nhưng về độ bền lâu, tính chịu thời tiết, tính ổn định chống xâm thực hay thoái hóa của vật liệu còn hạn chế.
 
Tại các đô thị thì lại dùng những vật liệu nặng như bê tông cốt thép, gạch đất sét nung… làm tăng đáng kể sự khai thác tài nguyên thiên nhiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đang tác động xấu đến môi trường, gây ra nhiều hệ lụy như mất đất nông nghiệp, gia tăng khí thải, hiệu ứng nhà kính và các loại khí thải độc hại cho môi trường.
 
Để khắc phục những vấn đề trên, TS. Lê Văn Quang đề nghị các công trình xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long cần sử dụng phối hợp vật liệu truyền thống với vật liệu hiện đại: Ngoài các vật liệu truyền thống, kể cả vật liệu dân dã khai thác tự nhiên như đá ong, đá sò, tường trình, đá xẻ... hoặc chế biến từ nguồn vật liệu địa phương sẵn có như nứa lá rơm rạ, tre gỗ ngâm tẩm, gạch ngói thủ công, kể cả những vật liệu tấm ép hỗn hợp xi măng với các phế thải công nghiệp mùn cưa, phôi bào, vỏ trấu, xơ dừa..., cho đến vật liệu đương đại như bê tông, sắt thép, panel nhẹ...
 
Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cho thấy, việc phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường còn giúp sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao...) mỗi năm để sản xuất vật liệu không nung; tiết kiệm được khoảng 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.
 
TS. Lê Văn Quang cũng thẳng thắn chỉ ra: Mặc dù ngành Vật liệu xây dựng những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu thân thiện với môi trường của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần được nghiên cứu khắc phục. Do các rào cản về khoa học, công nghệ, vật liệu thân thiện với môi trường tại Việt Nam chưa được phát triển rộng rãi.
 
Vấn đề phát triển vật liệu xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề cấp bách đặt ra cho các nhà khoa học và nhà quản lý. Cần có có sự quan tâm, đầu tư hơn nữa về thời gian và các nguồn lực. Cần nghiên cứu sử dụng các loại sản phẩm hiện đại, chế tạo theo nhiều công nghệ khác nhau, kể cả công nghệ nửa tiền chế, liên hợp giữa các loại vật liệu truyền thống, có độ bền cơ học và thời tiết cao với các loại vật liệu nhẹ, xốp rỗng, thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, vùng có nền đất yếu, nguy cơ ngập mặt cao như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Các bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục & Đào tạo... cần giao các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp bộ về vật liệu xây dựng liên quan đến kiến trúc nhiệt đới cho các Viện, các trường. Cần tập hợp lực lượng chuyên gia và nhanh chóng xây dựng một đội ngũ các chuyên viên giỏi để thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ bản, lý thuyết, cũng như các đề tài nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm. Hướng các nghiên cứu sinh và học viên cao học vào nghiên cứu những đề tài dự án, các công trình khoa học về vật liệu xây dựng liên quan đến kiến trúc nhiệt đới ẩm đặc trưng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Mai Thanh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu