Thứ sáu, 22/10/2021,07:36 (GMT+7)
Viện trưởng VKSND Tối cao: Điều tra, truy tố nhiều vụ án hình sự bị trì hoãn do dịch
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giãn cách xã hội ở nhiều địa phương đã gây khó khăn cho việc khởi tố, điều tra, truy tố các vụ án hình sự.
 
Chiều 20-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí đã trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật, ông Lê Minh Trí cho rằng, trước tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua và diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhất là trong bối cảnh thực hiện triệt để việc giãn cách, cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, bị trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.
Viện trưởng VKSND Tối cao: Điều tra, truy tố nhiều vụ án hình sự bị trì hoãn do dịch bệnh - Ảnh 1.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự - Ảnh: Quochoi.vn
 
Dẫn thống kê, báo cáo của công an và viện kiểm sát cấp tỉnh, ông Lê Minh Trí cho biết từ khi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến thời điểm hiện nay, có 171 tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã gần hết thời hạn kiểm tra, xác minh, có 77 vụ án đã gần hết thời hạn điều tra nhưng chưa có căn cứ để ban hành quyết định tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
 
Có 111 vụ án đang gặp khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn truy tố do không thể tiến hành được hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố như: Không thể phúc cung, lấy lời khai, tiến hành đối chất, tiến hành các thủ tục để trợ giúp pháp lý, bảo đảm sự tham gia của người bào chữa cho các đối tượng theo luật định; không thể yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp, trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản…
 
Bên cạnh đó, Viện kiểm sát cũng không thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn thời hạn giải quyết, tuy nhiên vẫn có khả năng không thể hoàn thành hồ sơ và các thủ tục tố tụng để xem xét, quyết định việc khởi tố, ra kết luận điều tra hoặc quyết định việc truy tố trong thời hạn luật định.
 
"Việc tống đạt, giao các quyết định tố tụng cho người bị buộc tội, người tham gia tố tụng hoặc chuyển hồ sơ vụ án sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo, việc chuyển các chứng cứ, tài liệu, đồ vật cho viện kiểm sát, tòa án… cũng bị trì hoãn, không thể tiến hành được"- ông Lê Minh Trí nêu rõ.
 
Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh". Điều này dẫn đến vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
 
Mặt khác, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra.
 
Theo ông Trí, điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
 
 
Từ những lý do trên, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ "vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh".
 
"Việc bổ sung căn cứ tạm đình chỉ này sẽ tạo cơ sở pháp lý để giải quyết những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng phát sinh trong thời gian tới. Bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này, bởi sẽ có căn cứ pháp luật cho phép khi không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng thì cơ quan tiến hành tố tụng được tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội"- ông Lê Minh Trí báo cáo trước Quốc hội.
Viện trưởng VKSND Tối cao: Điều tra, truy tố nhiều vụ án hình sự bị trì hoãn do dịch bệnh - Ảnh 2.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp chiều 20-10 - Ảnh: Quochoi.vn
 
Với đề xuất sửa đổi, bổ sung này, ông Lê Minh Trí cho biết sẽ tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh được việc để xảy ra oan, sai; bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.
Tuy nhiên, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, đề nghị Quốc hội giao VKSND Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ trong các trường hợp này.
 
Thẩm tra về nội dung này, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp tán thành với đề nghị của VKSND Tối cao. Theo bà Nga, trước tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy, Bộ luật Tố tụng hình sự cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị không bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ như đề nghị của VKSND Tối cao vì sẽ dẫn đến phải kéo dài thời gian giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến yêu cầu xử lý kịp thời tội phạm.
 
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu