Thứ sáu, 21/10/2022,10:36 (GMT+7)
Việt Nam phát hiện ca cúm A/H5N1 trên người sau hơn 8 năm
Ca nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên được phát hiện sau hơn 8 năm ở nước ta là bé gái 5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ. Hiện ổ dịch đã được khoanh vùng, kiểm soát
 
Ngày 20-10, Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, ngày 17-10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm A/H5N1. Bệnh nhân là nữ, 5 tuổi, ở tỉnh Phú Thọ. 
 
Đây là ca bệnh cúm A/H5N1 trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2-2014. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 64 người tử vong (chiếm gần 50%).
 
Việt Nam phát hiện ca cúm A/H5N1 trên người sau hơn 8 năm - Ảnh 1.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm cúm gia cầm- Ảnh: Trần Minh
 
Liên quan đến ca bệnh này, ngày 20-10, tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết ngay sau khi xác định được ca bệnh, viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống và cùng phối hợp với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương để cùng phối hợp điều tra dịch tễ.
 
Đoàn đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5N1. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương; rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.
 
Theo Cục Thú y, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước; tổng đàn gia cầm đang có xu hướng gia tăng để chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán sắp tới. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là cao.
 
Các chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo virus A/H5N1 là chủng cúm rất nguy hiểm do có độc lực cao, có thể gây diễn tiến khó lường theo chiều hướng phức tạp, tỉ lệ biến chứng và tử vong cao người (từ 50-60% trường hợp mắc). Do vậy, khi có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp cần đến bệnh viện xét nghiệm khẳng định bị mắc virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.
 
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh cúm A H5N1
Người nhiễm virus cúm A/H5N1 thường có những triệu chứng diễn biến cấp tính giống với các loại cúm thông thường, nhưng có thể kèm theo một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Những dấu hiệu cơ bản của bệnh cúm A/H5N1 là: sốt cao liên tục trên 38oC; rét run, mệt mỏi, choáng váng đầu óc; đau ngực, tim đập nhanh; đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm... Người bệnh có biểu hiện suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái. Các triệu chứng đi kèm là đau lan tỏa, mệt mỏi đặc biệt là đau đầu, đau nhức cơ, đau toàn thân, ý thức mê man.
Bệnh cúm A/H5N1 có thể diễn tiến nghiêm trọng dần và gây biến chứng viêm phổi, tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiếm gặp hơn, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc. Tùy vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng khác nhau ở mỗi người mà các triệu chứng sẽ khác nhau.
 
 
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu