Đa số phát biểu tại hội nghị tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của UNCLOS, với tư cách là khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh những hoạt động và các vấn đề liên quan đến biển.
Hội nghị ghi nhận dấu ấn lịch sử trong việc đạt được thỏa thuận về dự thảo nội dung Hiệp định Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ) nhằm hướng tới thông qua văn kiện này vào cuộc họp từ ngày 19 đến 20-6 tới.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, Trưởng đoàn Việt Nam - khẳng định: 40 năm qua, UNCLOS - với vai trò "Hiến pháp của đại dương" - là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang (giữa) tại Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 Ảnh: PHÁI ĐOÀN THƯỜNG TRỰC VIỆT NAM TẠI LIÊN HIỆP QUỐC
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhắc lại quan điểm của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS; đồng thời bày tỏ quan ngại rằng các diễn biến gần đây trên biển Đông có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và phát triển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển trên vùng biển được thiết lập theo UNCLOS là điều kiện tiên quyết cho việc duy trì và bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng ở khu vực biển Đông.
Tại phiên thảo luận về báo cáo của Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), đoàn Việt Nam mong muốn ITLOS xem xét nghiêm túc đề nghị của Ủy ban Các quốc đảo Thái Bình Dương xin ý kiến tư vấn về vấn đề biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế.
Qua đó, làm sáng tỏ nghĩa vụ của các quốc gia về bảo vệ môi trường biển, trên cơ sở cân nhắc quyền và lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển.
Liên quan báo cáo của Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa (CLCS), đoàn Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết cải thiện tiến trình CLCS xem xét các đệ trình về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý để thực thi đầy đủ và hiệu quả UNCLOS, đặc biệt trong bối cảnh cần thiết xác định "vùng ngoài quyền tài phán của quốc gia" để tiến tới thực hiện Hiệp định Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học vùng ngoài quyền tài phán quốc gia.