Thứ hai, 01/06/2020,07:20 (GMT+7)
Vĩnh Thạnh tái đàn heo sau dịch bệnh
Sau thời gian khá dài bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi. Đến nay, các hộ chăn nuôi heo ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ đang bắt đầu tái đàn, khôi phục hoạt động chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu không thận trọng nguy cơ người chăn nuôi gặp rủi ro sẽ rất cao.
Anh Đoàn Thành Dũng, ấp B1, xã Thạnh Thắng chăm sóc cho đàn heo sắp xuất chuồng của gia đình.
 
Ông Trần Đức Đoàn, một trong những hộ sống bằng nghề chăn nuôi heo ấp B1, xã Thạnh Thắng, cho biết: Trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, gia đình ông có 27 heo sinh sản và hơn 100 con heo thịt bị mắc bệnh và tiêu hủy với khối lượng hơn 10 tấn, gây thiệt hại khoảng 1,1 tỉ đồng. Nhờ Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng giúp ông thanh toán tiền thức ăn cho đại lý. Trong khoảng thời gian chờ hết dịch, gia đình ông đã sửa chữa lại chuồng trại, vệ sinh tiêu độc chờ ngành chức năng công bố hết dịch sẽ tiếp tục tái đàn. Giữa tháng 5-2020, ông đặt mua 100 heo con với giá 3,1 triệu đồng/con. Để đảm bảo an toàn, ông nhờ cán bộ thú y xã tư vấn và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cho đàn heo và thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường theo định kỳ.
 
“Trước giờ cùng với sản xuất lúa, gia đình tôi chăn nuôi heo để tăng thu nhập, phát triển kinh tế, mỗi năm lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng. Đợt dịch bệnh vừa qua, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ nhưng gia đình tôi vẫn lỗ hơn 800 triệu đồng, bây giờ nuôi lại gặp thời điểm giá heo giống, thức ăn khá cao, nguy cơ lỗ lã vẫn còn, thời gian tới tôi hy vọng giá heo hơi ổn định như hiện nay để người chăn nuôi có lời để bù đắp khoản lỗ trước đây” - ông Trần Đức Đoàn nói.
 
Anh Đoàn Thành Dũng, ấp B1 đang nuôi 4 heo sinh sản và 10 con heo thịt sắp xuất chuồng. Thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát anh nuôi hơn 50 con heo lớn nhỏ. Do dịch bệnh cộng với giá heo hơi ở mức thấp nên anh chỉ nuôi cầm chừng, gần đây tình hình dịch bệnh được khống chế anh bắt đầu tăng tổng đàn. Anh Dũng nói: “Trong chăn nuôi điều mà bà con chúng tôi lo lắng nhất là dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc-xin phòng ngừa và thuốc đặc trị, vì thế khi tái đàn chúng tôi thực hiện tốt các quy định về an toàn trong chăn nuôi nhưng vẫn không khỏi lo lắng”.
 
Thạnh Thắng là một trong những địa phương có đàn heo khá lớn ở huyện Vĩnh Thạnh, đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua địa phương bị thiệt hại khá nặng, hiện tổng đàn chỉ còn khoảng 1.748 con. Theo lãnh đạo địa phương cho biết, hiện tại ngành chức năng cho phép tái đàn và giá heo hơi đang ở mức cao nên bà con rất phấn khởi để khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, địa phương còn lo ngại, bởi mặc dù xã có nhiều hộ chăn nuôi nhưng đa phần bà con nuôi nhỏ lẻ, nuôi theo quy mô trang trại chỉ chiếm phần nhỏ, nên việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh rất lớn. Mặc khác, thời điểm này giá heo hơi ở mức cao nhưng giá thức ăn chăn nuôi cũng cao hơn gấp 3-4 lần so với trước, nguy cơ thua lỗ cũng rất lớn.
 
Bà Nguyễn Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Thắng, cho biết: “Các hộ chăn nuôi heo số lượng lớn thì tuân thủ nghiêm các quy định về tiêm phòng dịch bệnh, định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh. Trong khi các hộ nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm đến vấn đề này, hơn nữa hiện nay heo hơi có giá cao kéo theo giá con giống và thức ăn ở mức cao, nếu tái đàn ồ ạt nguy cơ rớt giá cũng rất lớn do cung vượt cầu. Cùng quan điểm này, ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, chia sẻ: “Hiện trên địa bàn xã Thạnh Lợi có khoảng 3.625 con heo, chủ yếu là heo con do các hộ chăn nuôi vừa tái đàn, để hạn chế rủi ro, xã cử cán bộ thú y phối hợp với các ngành đoàn thể và các ấp tổ chức triển khai các quy định của ngành chức năng về tái đàn, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi cũng như tránh tái đàn một cách ồ ạt khi gặp thời điểm giá heo hơi rớt giá bà con sẽ thua lỗ”.
 
Theo số liệu rà soát của ngành chức năng huyện Vĩnh Thạnh, đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua toàn huyện có hơn 400 hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại khoảng 15.000 con với hơn 842,5 tấn, tổng số tiền chi hỗ trợ là 23,380 tỉ đồng. Hiện tại toàn huyện có tổng đàn heo là 22.399 con, giảm gần 50% so với trước. Thực hiện chủ trương về tái đàn sau dịch bệnh, ngành thú y huyện Vĩnh Thạnh tăng cường phối hợp với các xã, thị trấn triển khai các quy định, điều kiện cho việc tái đàn: vận động bà con xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp chuồng trại cũ, nền chuồng cao ráo, thoát nước tốt, đảm bảo rửa sạch, mau khô, lắp đặt hệ thống biogas xử lý chất thải, đảm bảo không gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh, cũng như hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng…
 
Ông Đoàn Vĩnh Nghi, Phó Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Theo quy định các hộ chăn nuôi phải thông báo số lượng tái đàn cho ngành thú y, nhưng do đa phần bà con chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ và tự sản xuất con giống nên một số hộ chưa quan tâm vấn đề này. Vì thế, cùng với triển khai các quy định, hướng dẫn các biện pháp an toàn trong chăn nuôi, ngành thú y huyện Vĩnh Thạnh cử cán bộ thú y thường xuyên theo dõi, cập nhật số lượng đàn heo phát sinh tổ chức tiêm phòng đầy đủ theo quy định. Đồng thời vận động các hộ chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn, chỉ tái đàn trong điều kiện tự sản xuất con giống, hạn chế mua con giống với giá cao hoặc mua con giống trôi nổi bên ngoài khả năng rủi ro cao”.
 
Bài, ảnh: MINH HẢI - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu