Thứ hai, 01/03/2021,07:37 (GMT+7)
Vực dậy ngành công nghiệp cơ khí
Để xây dựng, phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia là việc rất khó, nhưng không thể không làm. Khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí mạnh, không thua kém các nước khác mới có thể tự chủ, bảo đảm quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách đặc thù để đầu tư phát triển công nghiệp cơ khí.
Lắp đặt thiết bị tại Nhà máy hóa dầu Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: MINH THÀNH
 
Chưa đủ nguồn lực để phát huy đúng vai trò
 
 Những năm gần đây, với chủ trương, đường lối của Đảng, sự vào cuộc của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp đang đi vào thực chất. Công nghiệp đã trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động cao nhất trong các ngành kinh tế. Cụ thể, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nội ngành ước đạt 92,3% vào năm 2019, trở thành động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,69%. Bên cạnh đó, chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Việt Nam ngày càng được thu hẹp, đứng thứ 44 trên thế giới. Tuy nhiên, con số nêu trên là bao gồm các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nắm giữ, còn DN cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam đang thấp hơn nhiều. Đồng thời, tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp cũng rất thấp so với các nước trong khu vực; công nghệ chậm đổi mới, phần lớn tụt hậu so mức trung bình của thế giới; nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề trong công nghiệp còn thiếu. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chậm, chủ yếu hoạt động gia công, lắp ráp ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam chưa chủ động được nguồn đầu vào cho sản xuất và phải nhập khẩu tới 91,2% tư liệu sản xuất, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước đạt thấp. Trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng trình độ công nghiệp cơ khí, chế tạo trong nước như hiện nay, rất khó có thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công.
 
 Thực tế, cơ khí chế tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là ngành công nghiệp rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân vì thiếu hoặc không phát triển cơ khí, chúng ta sẽ chỉ có thể làm thuê cho nước ngoài với tiền công rẻ mạt, hạn chế tiềm lực kinh tế, quốc phòng. Đáng tiếc cho đến nay, ở Việt Nam vẫn có nhiều nhà quản lý cũng như một số chuyên gia kinh tế cho rằng, vai trò và sự phát triển công nghiệp cơ khí của Việt Nam đã hết thời, chỉ còn vai trò làm phụ trợ để tham gia chuỗi,… vì đây là thời của công nghệ số, của sản xuất các sản phẩm phần mềm, của phát triển nông nghiệp để xuất khẩu, của phát triển du lịch là công nghiệp không khói. Đồng thời, một số nhận định khác cho rằng, các DN cơ khí nội địa cũng phải tự vận động theo luật “bàn tay vô hình” của cơ chế thị trường mà không nhất thiết phải có “bàn tay hữu hình của Nhà nước” để làm “bà đỡ”.
 
 Nhận định như vậy là không đúng và thiếu thực tế nếu nhìn sang các nước phát triển và trong khu vực. Chính phủ những nước này đều đã và đang thực hiện hết sức bài bản, rốt ráo, tập trung phát triển ngành cơ khí không chỉ thông qua hệ thống chính sách, ưu đãi tài chính mà còn bằng những biện pháp bảo vệ thị trường trong nước rất chặt chẽ. Đơn cử, họ bắt buộc các công ty nước ngoài phải dành số lượng nhất định lao động bản địa nếu muốn tham gia các dự án công nghiệp lớn, không phân biệt nguồn vốn đầu tư; phân loại các gói thầu trong các dự án để dành cho DN trong nước tham gia; thậm chí, một số loại thiết bị trong nước có thể sản xuất được, thì không đấu thầu nước ngoài cho dù giá cao hơn. Từ đó, tạo dựng thị trường ổn định cho phát triển cơ khí. Nhìn về Việt Nam, hiện nay, công nghiệp cơ khí trong nước đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và khu vực. Đó là các phân ngành sản phẩm chế tạo kết cấu thép, sản xuất hàng phi tiêu chuẩn, chế tạo một số máy, thiết bị, phụ tùng phục vụ nhu cầu ngành điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo một số máy canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm hải sản, lắp ráp ô-tô, đóng tàu viễn dương, tàu chở khách và vận tải thủy...
 
 Bảo vệ hợp lý thị trường
 
 Theo số liệu sơ bộ, nhiều năm qua, nước ta đã nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và quốc phòng - an ninh. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Thế nhưng, ngành cơ khí trong nước lại không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác, dẫn đến các DN cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định: Thời gian tới, chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 đến 60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm. Khi khảo sát tại các Công ty CP Ô-tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam), các đơn vị này khẳng định, ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực DN FDI cũng như cơ khí trong nước, tránh tình trạng chuyển giá, nâng khống giá trị sản xuất khi thật sự chưa đạt yêu cầu để hưởng các chính sách ưu đãi.
 
 Để phát triển bền vững công nghiệp cơ khí trong nước, Nhà nước cần có chính sách đặc thù vì nếu DN đầu tư cho cơ khí có trang thiết bị trình độ công nghệ 3.0, 4.0 mà phải vay với lãi suất như các ngành kinh tế khác, sẽ khó thực hiện được mục tiêu nâng cao nội lực cho cơ khí Việt Nam, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh với các nước. Một số vấn đề quan trọng khác cần được Nhà nước chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ là dùng hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa,… để bảo vệ hợp lý thị trường trong nước như các quốc gia trên thế giới đã và đang chủ động thực hiện. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa DN cơ khí trong nước và DN FDI. Ngoài ra, Nhà nước cần tạo nhiều đơn hàng cho các DN cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công. Đồng thời, chủ đầu tư các dự án có quy mô lớn (không phân biệt nguồn vốn) tại Việt Nam phải có phụ lục, tách riêng những phần việc để dành cho DN trong nước tham gia đấu thầu thực hiện. Bên cạnh đó, để giúp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kịp thời xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí nội địa, Việt Nam cần hình thành ngay một đầu mối nghiên cứu các cơ chế chính sách và quản lý nhà nước nguồn tài lực dành cho phát triển công nghiệp cơ khí Việt Nam, không tính DN FDI như cách tính gộp lâu nay.
 
 Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, từ kinh nghiệm tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc trong thời gian qua, nếu được quyết tâm, sâu sát, chỉ đạo, ngành cơ khí chế tạo trong nước của Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển đột phá. Với tài năng của con người Việt Nam và nền tảng hiện có, nếu được đầu tư và khuyến khích, thúc đẩy thì công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng sẽ làm nên kỳ tích “Made in Vietnam” như chúng ta mong muốn.
 
ĐÀO PHAN LONG
  Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI)
 
Theo (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu