Tiền Giang cũng như nhiều địa phương vùng ĐBSCL vừa bị ảnh hưởng của đợt hạn mặn lịch sử; gây thiệt hại về sản xuất, đời sống người dân rất nặng nề. Tại Tiền Giang, hàng nghìn ha cây sầu riêng đang bị khô héo, cuộc sống nhà vườn khó khăn.
Bà Dương Thị Trúc Mai, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang lặng lẽ với 3 công vườn cây sầu riêng 10 năm tuổi mới cho trái đã bị chết đứng vì hạn mặn. Bà Mai cho biết, dù đã đầu tư khoảng 50 triệu đồng mua nước ngọt về tưới cho cây nhưng vẫn không cứu được do nắng hạn kéo dài. Vườn cây sầu riêng là nguồn sống duy nhất đã bị thiệt hại nên gia đình này rơi vào cảnh khốn khó.
“Bên xã Phú Phong có cho nước tưới và gia đình cũng mua thêm nước chở bằng ghe bơm lên nhưng sầu riêng vẫn chết. Hiện giờ gia đình không còn khả năng để khắc phục nữa. Bà con nơi đây mong muốn làm sao chính quyền, nhà nước hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình làm đê ngăn mặn, vì cứ tình trạng này đất đai sẽ không có thể trồng được cây gì khác”, bà Mai rầu rĩ nói.
Nhiều vườn cây sầu riêng tại tỉnh Tiền Giang xơ xác sau đợt hạn mặn.
Còn ông Thái Văn Lộc ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy có 7 công vườn sầu riêng 6 năm tuổi. Đợt hạn mặn vừa qua, ông đã chi gần 130 triệu đồng bơm nước ngọt nhưng hơn 70% gốc sầu riêng đã khô cành, rụng lá. Hiện nay, ông Lộc đang chuẩn bị phá vườn sầu riêng chết nhưng không biết trồng lại cây gì để đối phó với hạn mặn thời gian tới.
“Khô hạn và ngập mặn nên 70%-80% diện tích sầu riêng đã chết, giờ gia đình cũng cố gắng muốn trồng lại nhưng chưa biết trồng cây gì. Việc cải tạo vườn rất tốn tiền nên cần phải được hỗ trợ vay vốn. Ngoài ra, vấn đề cây giống, phân bón cũng như công tác ngăn mặn cũng cần phải được tính toán và kiểm soát. Các cống, đập, đê cần phải được cải tạo kiên cố, nếu cứ để nước mặn xâm nhập người dân không còn cách nào để canh tác”, ông Lộc tâm tư.
Tỉnh Tiền Giang hiện có trên 10.000 ha vườn cây sầu riêng chuyên canh, tập trung nhiều ở huyện Cai Lậy, Thị xã Cai Lậy, huyện Cái Bè và Châu Thành. Đây là loại cây đặc sản, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha. Dù chính quyền các cấp ở tỉnh Tiền Giang đã tích cực chuyển tải nước ngọt về, nhà vườn cũng chủ động bơm, trữ nước ngọt cứu nguy nhưng trên 60% vườn cây sầu riêng bị thiệt hại.
Đáng quan tâm là hàng nghìn ha cây sầu riêng tại các xã Phú Quý (Thị xã Cai Lậy), Long Tiên, Mỹ Long, Tam Bình, Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) đã bị chết trắng. Ở thời điểm này, dù có những cơn mưa đầu mùa nhưng nhiều vườn cây sầu riêng đang tiếp tục khô héo lá, xác xơ.
Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, toàn xã có 1.600 ha sầu riêng, trong đó có hơn 40% diện tích đã bị chết trắng. Năm nay, các nhà vườn đã thất thu hơn 1.000 tỷ đồng từ vườn sầu riêng, chưa kể đến phải mất nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng/ha để trồng lại các khu vườn cây đã chết.
“Trước mắt xã vận động bà con dọn dẹp, cắt các vườn cây để chuẩn bị cải tạo và sớm phục hồi lại vườn sầu riêng. Đối với những vườn cây bị chết trắng, một số bà con đang chuẩn bị trồng lại cây sầu riêng, bưởi, sa pô, chanh... Khả năng năm 2020 này diện tích cây cho trái rất ít vì sau đợt hạn mặn vừa qua, hầu hết diện tích vườn sầu riêng trên địa bàn xã đều bị ảnh hưởng, suy kiệt rất lớn”, ông Lâm cho hay.
Hiện nay, nhiều nhà vườn tỉnh Tiền Giang đã phá bỏ vườn cây sầu riêng bị thiệt hại để trồng lại cây ăn trái khác thích ứng với khô hạn.
So với các loại cây ăn trái khác, hạn mặn gây thiệt hại đối với vườn sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang rất nặng nề, phải mất 4-5 năm sau mới có thể khôi phục lại. Hiện nay, chính quyền các địa phương đang thống kê số diện tích vườn sầu riêng bị thiệt hại, từ đó đề xuất nhà nước hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay của người dân là sau đợt hạn mặn này, những nhà vườn có diện tích vườn cây bị chết trắng tại tỉnh Tiền Giang vẫn lúng túng, chưa biết phải trồng lại cây gì để tránh bị thiệt hại do hạn mặn có thể tái diễn trong thời gian tới./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)