Thứ ba, 16/06/2020,07:25 (GMT+7)
Xà lách xoong Thuận An: sau niềm vui, còn... trăn trở
Vùng chuyên canh xà lách xoong Thuận An (TX Bình Minh) có tuổi đời khoảng 50 năm, tay nghề của nông dân ngày càng chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui trúng lớn trong nắng hạn, người dân vùng rau cũng còn trăn trở…
Nông dân trồng xà lách xoong Thuận An túc trực bên đám rau những ngày nắng hạn.
Nông dân trồng xà lách xoong Thuận An túc trực bên đám rau những ngày nắng hạn.
 
Trưa 21/5/2020 nắng gắt, nông dân Trương Văn Bo (ở ấp Phú Thuận A) dẫn chúng tôi đi thăm 3 công xà lách xoong đang bị “bạc xanh, bạc vàng” và rầu rầu nói: “Tui đã mua 14 cây lưới để che trên 2 lớp, đổ phân thuốc vô mấy chục triệu đồng mà chưa cứu được đám rau”.
 
Theo ông Bo, trước đó, mấy bờ rau xanh tốt lắm nhưng thời điểm cả nước thực hiện giãn cách để phòng chống dịch COVID-19, tiêu thụ rau cũng chững lại nên vườn rau nhà ông chưa thu hoạch. Lúc tiêu thụ mạnh trở lại, giá tăng cao thì rau bị chết dần đến 70%.
 
10 năm gắn bó với xà lách xoong, ông Bo cho hay, mùa nghịch (từ tháng 3- 9 âl) hàng năm canh tác gặp khó so vụ thuận (các tháng còn lại trong năm).
 
Trong đó, các tháng nắng, phải canh tưới 1 giờ, nửa giờ 1 lần. Năm nay, thiệt hại nặng do nắng nóng gắt hơn. “Nóng từ trên hắt xuống, từ nước tưới dội vào nên… luộc cây rau từ từ”- ông Bo nói. Dù vậy, ông vẫn đang tích cực canh tưới, chăm sóc hàng giờ “để dưỡng giống cho vụ kế theo, tránh mua giống mới tốn kém”.
 
Cùng cảnh với ông Bo, một số nông dân trồng xà lách xoong ở Thuận An cũng bị thiệt hại và đang tích cực chăm bón vườn rau.
 
Hợp tác xã (HTX) Xà lách xoong an toàn Thuận An (xã Thuận An- TX Bình Minh) hiện có 21 thành viên trồng xà lách xoong, diện tích 8ha. Ông Trần Minh Hiếu- Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX- cho hay, mùa nghịch này diện tích xà lách xoong của HTX bị hao hụt (thối thân, chết) khoảng 70%, năng suất chỉ 400- 500 kg/công- thấp hơn nhiều so mùa thuận đến 1,4 tấn/công. Theo ông Hiếu, thời điểm nắng nóng hàng năm đều dễ xảy ra hao hụt nhưng năm nay nghiêm trọng hơn do nắng nóng gay gắt hơn.
 
“Cây xà lách xoong này mùa thuận thì trồng sao cũng sống nhưng mùa nghịch thì tưới nhiều cũng chết, tưới ít cũng chết, nước đọng cũng chết nên phải tưới sao cho đủ ẩm”- ông Hiếu nói vậy và cho biết thêm, 30% diện tích còn lại thì hộ trồng đang trúng lớn bởi giá bán ở mức cao, hơn 40.000 đ/kg, khả năng còn tiếp tục tăng cao đến tháng 7 và lập đỉnh giá chưa từng có. “Những hộ trồng trúng là nhờ kỹ thuật cao và đất trồng còn mới nên phù sa tốt”- ông Trần Minh Hiếu khẳng định.
 
Đánh giá chung về tình hình rau xà lách xoong của xã, ông Trương Thành Đến- Phó Chủ tịch UBND xã Thuận An- cho hay: Tỷ lệ xà lách xoong bị hư hại trên toàn xã chiếm khoảng 20% do mùa nghịch, trời nắng nóng và rơi vào các rẫy “đất cũ”.
 
Ông Trương Thành Đến diễn giải, chỗ nào đất trồng xà lách xoong suốt nhiều vụ, 5- 10 năm mà không trở đất trồng loại khác thì rau chậm phát triển, không tốt nổi, thậm chí dễ chết. Còn ở những vùng đất mới thì hiện rau tươi tốt, nông dân trúng lớn. Do đó, đối với những vùng trồng lâu năm mà chưa trở đất thì xã khuyến khích nông dân trồng rau màu khác rồi một thời gian mới quay trở lại trồng xà lách xoong.
 
Còn đất mới thì xã khuyến khích để nhân rộng thêm. Bên cạnh, khuyến khích chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng, luân canh rau màu. Trong đó, ưu tiên 2 cây chủ lực tại xã là xà lách xoong và rau diếp cá. Đồng thời, khuyến khích xen canh 1 vụ lúa, 2 vụ màu hoặc ngược lại.
 
Ông Trần Minh Hiếu cho hay, vùng rau Thuận An nhộn nhịp nhất là dịp Tết Nguyên đán (từ tháng 11 đến tháng Giêng), mỗi ngày có 20- 25 tấn đi cả nước là chuyện bình thường. Trồng xà lách xoong tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn: nữ thì cắt, sơ chế, bó rau… (20.000 đ/giờ); nam thì trả theo ngày (chủ yếu làm ngoài đồng hoặc đi làm cho các vựa).
 
Nhìn chung, đây là loại rau màu có ý nghĩa đặc biệt với đời sống của không ít hộ gắn bó. “Trồng xà lách xoong 1 lần cho 20 năm, không phải trồng lại như một số loại rau khác và lợi nhuận gấp nhiều lần so làm lúa. Mỗi năm, xà lách xoong cho thu hoạch 5 lần/năm, mỗi lần bán được hơn 10 triệu đồng/công, lời trung bình khoảng 6 triệu đồng nên người trồng xà lách xoong không lo nghèo”- ông Trần Minh Hiếu nói.
 
Ông Trần Minh Hiếu cho biết thêm, hiện HTX có chứng nhận rau an toàn, rau thu hoạch xong bán hết- phần lớn qua thương lái. Trong đó, cung cấp cho một số siêu thị khoảng 200 kg/ngày (mùa thuận là 500 kg/ngày). Tuy nhiên, còn vấn đề trăn trở là trước đây có chứng nhận VietGAP nhưng sau khi hết hạn thì đến nay chưa tái chứng nhận lại vì nhiều lý do.
 
Thiết nghĩ, để vùng chuyên canh xà lách xoong nói riêng, vùng rau Thuận An phát triển bền vững và ngày càng vươn xa, cần sự vào cuộc của ngành chức năng nhằm tháo gỡ rốt ráo những cái vướng về đất cũ; xây dựng và phát triển thương hiệu…
 
Theo ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì chuyển đổi sang cây màu nhanh và linh hoạt, coi như thất vụ này thì “giũ mành làm vụ tiếp theo” hoặc thay đổi cây màu khác.
 
Ngay cả khi trồng cây ăn trái thì vẫn có thể linh hoạt xen màu vào vườn giúp nông dân tăng thu nhập. Đối với phát triển cây màu của thị xã thì xã Thuận An có điều kiện đất đai, kỹ thuật, tay nghề của nông dân “đã quen với việc trồng màu hàng chục năm”.
 
Tuy nhiên, ông Khanh cho biết thêm, hiện tại thị trường chủ yếu của vùng rau là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh- thành vùng ĐBSCL, phần lớn qua đầu mối là hệ thống thương lái. Trong đó, cạnh tranh với các vùng rau khác ở ĐBSCL là khá lớn. Do đó, theo ông Khanh, vùng rau Thuận An duy trì diện tích như hiện nay thì đáp ứng cung- cầu, không nên mở rộng ồ ạt.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU- NGUYỄN PHƯƠNG - (baovinhlong.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu