Thứ ba, 16/10/2018,09:30 (GMT+7)
Xác định thiên thể khổng lồ lảng vảng quanh mặt trăng
Thiên thể bí ẩn to bằng một tòa nhà chọc trời lảng vảng quanh mặt trăng đã được xác thực là một trong 4 "moonmoon" của Hệ Mặt trời.

Từ nhiều thập kỷ nay, những dấu vết không rõ ràng của một vật thể lảng vảng quanh mặt trăng của trái đất đã ám ảnh các nhà khoa học. Mới đây, nhóm tác giả đến từ Đài thiên văn Carnegie ở California (Mỹ) và Đại học Bordeaux (Pháp) đã xác định sự tồn tại của các moonmoon – thuật ngữ mới để chỉ các "mặt trăng của mặt trăng".

Xác định thiên thể khổng lồ lảng vảng quanh mặt trăng - Ảnh 1.

Mặt trăng của trái đất, Sao Mộc Và Sao Thổ đều sở hữu các moonmoon? - ảnh đồ họa từ NEW SCIENTIST

Có ít nhất 4 moonmoon tồn tại trong Hệ Mặt trời, bao gồm mặt trăng của mặt trăng trái đất; của mặt trăng Calisto – Sao Mộc; của mặt trăng Titan và mặt trăng Iapetus – Sao Thổ.

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu, họ đã tìm ra các điều kiện cần thiết để một moonmoon hình thành. Theo đó, một vật thể như thế chỉ có thể tồn tại xung quanh các mặt trăng lớn và có khoảng cách tương đối xa với các hành tinh mẹ.

Moonmoon sẽ có quỹ đạo đủ gần để biến thành một vệ tinh quay quanh mặt trăng chủ mà không bị kéo đi bởi chính lực hấp dẫn lớn hơn bởi hành tinh mẹ, nhưng đủ xa để không bị hút về phía mặt trăng chủ và rơi xuống đó như môt thiên thạch.

Sự sống của moonmoon là khá mong manh. Nếu mặt trăng chủ thay đổi vị trí của nó so với hành tinh mẹ trong quá trình tiến hóa, như trường hợp mặt trăng của trái đất, có thể moonmoon sẽ bị lạc khỏi quỹ đạo của chúng. Khi đó, chúng ta vẫn chưa bắt được hình ảnh trực tiếp về moonmoon của mặt trăng trái đất: nó có thể đã chết.

Các nhà khoa học hy vọng hơn vào moonmoon của các mặt trăng Sao Mộc và Sao Thổ: các mặt trăng này to lớn hơn, thậm chí có kết cấu gần như một hành tinh và có nhiều điều bí ẩn chưa khám phá hơn.

Cũng có ý kiến không đồng tình với nghiên cứu. Chẳng hạn, nhà thiên văn học Michele Bannister đến từ Đại học Queen ở Belfast (Ireland) cho rằng những vệ tinh tự nhiên của mặt trăng Sao Mộc, Sao Thổ nếu có cũng quá nhỏ để có thể gọi là một mặt trăng.

Nguồn: A. Thư - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu