Thứ bảy, 18/11/2023,06:08 (GMT+7)
Xác lập kỷ lục Việt Nam đối với bức tranh làm từ gạo ST ở Sóc Trăng
Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 27-11 với nhiều hoạt động, trong đó điểm nhấn là giải đua ghe ngo và xác lập kỷ lục Việt Nam với bức tranh làm từ gạo ST.
Ngày 17-11, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023.
Xác lập kỷ lục Việt Nam đối với bức tranh làm từ gạo ST ở Sóc Trăng - Ảnh 1.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, phát biểu khai mạc buổi họp báo
 
Tại buổi họp báo, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, cho biết Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là trong hoạt động văn hóa lễ hội; đáp ứng được tâm tư nguyện vọng, nhu cầu sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần của đồng báo các dân tộc trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
 
Lễ hội năm nay sẽ có nhiều hoạt động nổi bậc, như: Lễ cúng Trăng; trình diễn Lôiprotip (thả đèn nước) và ghe Cà Hâu; hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền; liên hoan ẩm thực đường phố "Hương vị Sóc Trăng"; triển lãm ảnh nghệ thuật; Liên hoan Tiếng hát Truyền hình tiếng Khmer khu vực Nam Bộ; hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa.
 
Đặc biệt, chiều 22-11, tại công viên 30-4, TP Sóc Trăng sẽ tổ chức xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với bức tranh lớn nhất Việt Nam có kích thước 4mx7m được làm từ gạo ST.
 
Việc xác lập kỷ lục này nhằm xây dựng hình ảnh phát triển cây lúa nước nói riêng và ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng nói chung, qua đó thể hiện niềm tự hào của người dân Sóc Trăng đối với thương hiệu gạo ST, nét đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh vươn xa ra thế giới.
 
Tiếp theo đó, từ ngày 26 đến 27-11, tại khán đài đường đua ghe ngo tại TP Sóc Trăng sẽ diễn ra cuộc tranh tài hấp dẫn của 46 đội ghe đến từ tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ.
 
Xác lập kỷ lục Việt Nam đối với bức tranh làm từ gạo ST ở Sóc Trăng - Ảnh 3.
Bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, thông tin về các hoạt động trong Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2023
 
Cũng tại buổi họp báo, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết để hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp sức cho các đội đua ghe ngo, tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ mỗi đội ghe đăng ký tham gia 30 triệu đồng.
Đồng thời, giải đua năm 2023 tuy được tổ chức quy mô cấp tỉnh, nhưng cơ cấu giải thưởng cho các đội đua vẫn được giữ tương đương quy mô cấp khu vực. Theo đó, giải nhất 1.000 m nữ sẽ được trao thưởng 150 triệu đồng, giải nhất đường đua 1.200m nam là 200 triệu đồng.
 
"Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng là dịp tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ. Vì vậy, nội dung chính của lễ hội sẽ thể hiện sự độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer tạo thành chuỗi liên kết để thu hút người dân vừa quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút nhà đầu tư du lịch đến tham quan, trải nghiệm và khai thác du lịch" - bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc nhấn mạnh.
 

Đua ghe Ngo - một trò chơi thể thao dân tộc Khmer, gắn với nghi lễ cúng trăng - đút cốm dẹp (Óoc Om Bóc). Bởi lẽ khi thu hoạch mùa lúa mới, đồng bào Khmer thường làm lễ cúng tạ ơn các vị thần mặt trăng, thần đất, thần nước đã phù hộ ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nên bà con thu hoạch được mùa.

3

Đua ghe Ngo - một trò chơi thể thao dân tộc Khmer, gắn với nghi lễ cúng trăng - đút cốm dẹp

Trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển, đua ghe ngo được người Khmer gọi là Bon Pro-năng Tuk Ngô (Hội đua ghe Ngo) và được tổ chức vào dịp lễ cúng trăng - đút cốm dẹp, nên được gọi chung là Lễ hội Óoc Om Bóc - Đua ghe Ngo, tiếng Khmer gọi là “Pithi Bon Oóc Om Bóc - Pro-năng Tuk Ngô”.

 
LÊ HOÀNG (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu