Nằm cách thành phố Quy Nhơn 13 hải lý, Cù Lao Xanh là một hòn đảo nhỏ xinh đẹp và yên bình, một thiên đường biển đảo mới đang chờ bạn khám phá.
Cù Lao Xanh hay còn gọi là đảo Vân Phi, là một hòn đảo nhỏ gần Vịnh Xuân Đài (tỉnh Phú Yên) nhưng địa giới hành chính lại thuộc xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Do vị trí đặc biệt như vậy nên có rất nhiều cách để đến Cù Lao Xanh, hoặc thuê tàu của ngư dân thôn Vịnh Hòa (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), hoặc tại Bãi Xếp (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn). Cả hai lối đi này đều phải thuê tàu gỗ của ngư dân bản địa, do du lịch chưa phát triển.
Cách đi thông dụng được nhiều người lựa chọn nhất là xuất phát tại cảng Hàm Tử cách trung tâm thành phố Quy Nhơn 1km. Tại đây có hai phương tiện để bạn lựa chọn ra đảo: cano cao tốc với giá 150-200 nghìn đồng/chiều, phải liên hệ trước. Hoặc rẻ hơn thì có tàu gỗ với giá 30 nghìn đồng một người, ngày chỉ có hai chuyến tàu chợ như vậy. Cano sẽ mất 30-40 phút, tàu gỗ mất chừng hai tiếng mới đến nơi.
Đảo có diện tích 365ha với dân số khoảng 2.300 người phân bố trên ba thôn. Vị trí gần như biệt lập tách hẳn ra ngoài đại dương, cách thành phố Quy Nhơn khoảng trên dưới 20km, cách thị xã Sông Cầu (Phú Yên) 6km. Xa xôi như vậy nên Cù Lao Xanh hoàn toàn lạ lẫm trên bảo đồ du lịch nước ta, là điểm đến rất hoang sơ chưa chịu nhiều tác động của du lịch.
Cù Lao Xanh gây ấn tượng mạnh ngay từ cái nhìn đầu tiên, một hòn đảo nhỏ "xanh" tuyệt đối như tên gọi của nó, từ bầu trời, biển đến thảm thực vật trên đảo. Thậm chí đến vị trí cầu tàu, nơi tập trung nhiều thuyền bè, làng chài, dầu máy... cũng trong xanh, rất hiếm thấy rác dạt vào, một vấn nạn mà rất nhiều hòn đảo ở Việt Nam gặp phải.
Thời điểm lý tưởng nhất để đến đảo là khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8, cũng trùng với mùa du lịch biển đảo toàn bộ miền trung. Du khách nên tránh đi Cù Lao Xanh vào mùa mưa, biển động, cao điểm tháng 10 đến tháng 1 năm sau.
Phương tiện đi lại chủ yếu trên đảo cho du khách là hệ thống xe điện được cải tạo lại cho thân thiện, xe máy cho thuê rất hiếm hoi và chủ yếu là dành cho khách ở homestay.
Cũng giống như hòn đảo nổi tiếng Cù Lao Chàm (ở Hội An), bạn hoàn toàn có thể đi trọn một vòng tham quan đảo bằng xe điện hoặc xe máy, khi toàn bộ đường sá đã được trải nhựa sạch đẹp, thiết kế một vòng tròn khép kín quanh đảo, đặc biệt là chạy qua toàn bộ điểm tham quan, du lịch chính ở đây.
Điểm dừng chân đầu tiên của du khách chính là ngọn "mắt thần" của biển, hải đăng Cù Lao Xanh. Đây là ngọn hải đăng cổ do người Pháp xây đã hơn 100 năm tuổi, kiến trúc là sự hòa trộn hai trường phái Đông - Tây, với chiều cao 119m so với mực nước biển, có thể chiếu xa đến 50km.
Mất chừng 20 phút leo dốc theo đường mòn lên trạm hải đăng và 32 bậc cầu thang xoáy trôn ốc mới tới đỉnh. Nhưng bù lại bạn sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo Cù Lao Xanh bên dưới...
... từ cầu tàu, khu dân cư, làng chài, cột cờ chủ quyền, bãi đá Thảo Nguyên, đến khung cảnh tấp nập thuyền bè neo đậu trên nền biển xanh ngắt.
Bên con đường dưới trạm, nằm đối diện với ngọn hải đăng trăm tuổi là công trình Cột cờ Thanh niên hay còn gọi là cột cờ Tổ quốc. Đây là công trình được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng và khánh thành 8-2015, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc, thể hiện tình yêu quê hương, biển đảo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên.
Cột cờ cao 22,66m, có thân đế hình trụ vuông 2,2x2,2m, cao 5,05m xây bằng đá granite, ghi rõ tên đảo, kinh độ, vĩ độ chính xác của đảo Cù Lao Xanh. Phía sau cột cờ có hai phù điêu logo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên Việt Nam. Theo thiết kế, lá cờ treo ở đây sẽ có kích thước 4x6m nhưng thật đáng tiếc, đoàn chúng tôi đến đây đúng vào hôm thay mới lá cờ nên không chụp được toàn cảnh cột cờ chủ quyền với lá cờ đỏ sao vàng tung bay.
Tắm biển ở Cù Lao Xanh du khách có rất nhiều sự lựa chọn, tuy các bãi biển bé nhưng bù lại nước biển tất cả các nơi đều trong xanh như ngọc bích, bãi cát mịn, êm, thoải... với đội ngũ cứu hộ thường trực kiêm hướng dẫn viên rất tận tâm, chuyên nghiệp.
Các bãi biển đẹp nhất ở đây là Bãi Nhỏ, Bãi Gala, Bãi Đông, Bãi Nam (ngắm hoàng hôn).
Du khách ngoài những hoạt động truyền thống như tắm biển, lặn ngắm san hô còn có thể thử sức các trò chơi cảm giác mạnh trên biển như: cưỡi mô-tô nước, nằm trên phao nổi lênh đênh...
Nằm ở mặt sau của đảo (nếu tính cầu cảng, bến tàu là mặt trước) có một khu rừng đá khổng lồ được người dân địa phương gọi là bãi đá Thảo Nguyên, đây là một trong những điểm tham quan không thể bỏ lỡ khi đến với Cù Lao Xanh. Từ cầu cảng sẽ mất chừng 10 phút đi xe điện theo con đường vòng quanh đảo là sẽ đến được bãi đá Thảo Nguyên này.
Từ bãi đá Thảo Nguyên có thể nhìn ngược lại về ngọn hải đăng. Đúng như tên gọi "Thảo Nguyên", nơi đây ấn tượng bởi là một thảo nguyên, một rừng đá tự nhiên với muôn hình vạn trạng và nhiều màu sắc khác nhau. Địa điểm này vừa hùng vĩ mà lãng mạn, thường được chọn là nơi "check-in" chụp ảnh tạo dáng của du khách.
Đây là hình ảnh mâm cơm tám món hải sản của chính người dân đảo Cù Lao Xanh phục vụ khách đi tour của mình. Còn rất mới mẻ nên Cù Lao Xanh chưa có nhiều đơn vị trong đất liền vào đầu tư, du lịch ở đây chủ yếu từ chính cư dân bản địa lập ra, rất bài bản từ việc thiết kế tour, quảng cáo, đón khách tại bến, xây dựng điểm vui chơi, cắm trại, xây dựng khách sạn, homestay, dịch vụ ăn uống...