Thứ hai, 06/06/2022,10:04 (GMT+7)
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ
Chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả
 
Chiều 5-6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" đã diễn ra tại TP HCM. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương; chuyên gia, diễn giả và cộng đồng doanh nghiệp (DN)... đã dự sự kiện này.
 
Giảm lệ thuộc, phát triển bền vững
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận diễn đàn được tổ chức tại TP HCM là rất có ý nghĩa. Chủ đề của diễn đàn rất phù hợp tình hình thực tế của thành phố.
 
"Đây là dịp để các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao, cộng đồng DN trong và ngoài nước hiểu sâu hơn, chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà TP HCM đã trải qua. Đồng thời, chứng kiến những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân để sớm đưa TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
 
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết diễn đàn năm nay có nhiều điểm đặc biệt, nhất là việc lựa chọn tổ chức tại TP HCM - một đô thị đặc biệt, một cực tăng trưởng đóng vai trò là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, một thành phố năng động và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
 
Đánh giá về 35 năm đổi mới, ông Trần Tuấn Anh cho rằng Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Cụ thể, quy mô kinh tế tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và thiếu ăn, Việt Nam vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020.
 
Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Nền kinh tế nước ta còn chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động của khu vực FDI và một số thị trường lớn; còn thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu.
 
"Về tổng thể, nền kinh tế Việt Nam có sự hội nhập cao, độ mở lớn nhưng tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững, dẫn đến bị phụ thuộc. Do đó, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế năng động, phát triển nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế" - ông Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
 
Nhiều giải pháp thiết thực
Tại diễn đàn, các diễn giả đã tập trung thảo luận, làm rõ nội hàm về nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện mới. Trong đó, tập trung vào yêu cầu về tự chủ khoa học - công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế. Từ đó, đề xuất các chủ trương, chính sách, biện pháp mới để củng cố và phát huy sức mạnh nội lực của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, chống chịu trước các cú sốc bên ngoài.
 
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường; tham gia nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu; số hóa các quy trình thủ tục hải quan; phát triển kinh tế xanh.
 
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, nêu rõ kinh nghiệm quốc tế cho thấy tỉ trọng kinh tế phi chính thức lớn có thể cản trở tiềm năng phát triển của một quốc gia. Do vậy, cần có lộ trình để sớm chuyển dịch kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức theo hướng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của kinh tế phi chính thức đối với kinh tế - xã hội.
 
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ví von Việt Nam như "vịnh tránh bão" bởi vẫn giữ được trạng thái ổn định trong một thế giới nhiều biến động; có độ tự chủ, sự chủ động và khả năng chống chịu.
"Chúng ta ở cạnh Trung Quốc và có cơ hội hấp thu các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ thị trường này để biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của vùng. Trong tiến trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, cần sự tập trung lớn, tận dụng mọi nỗ lực của Chính phủ để chủ động thu hút đầu tư" - TS Vũ Thành Tự Anh nhìn nhận.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ - Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4. Ảnh: PHAN THANH
 
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá ý kiến của các đại biểu đều thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Nhận định Việt Nam "đang ổn định trong một thế giới mất ổn định", Thủ tướng cho rằng chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ song song với tích cực, chủ động hội nhập. Đây là đòi hỏi khách quan và cũng là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán.
 
Thủ tướng cũng lưu ý chúng ta tự tin nhưng không chủ quan bởi nền kinh tế còn nhiều hạn chế. Theo Thủ tướng, cần phải luôn xác định thời cơ, thuận lợi ít hơn khó khăn, thách thức và lúc nào cũng có khó khăn. Xác định điều này, theo người đứng đầu Chính phủ, không phải để lo sợ mà để chuẩn bị về tư tưởng, tâm lý, lực và các mặt khác để sẵn sàng vượt qua.
 
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng trước hết phải tạo được môi trường hòa bình, giữ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; ổn định môi trường xã hội; ổn định môi trường pháp lý để tạo điều kiện nền tảng cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, DN; triển khai chính sách đối ngoại, tạo thế đan xen lợi ích, định hình luật chơi trong hội nhập quốc tế.
 
Cùng với đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Nếu chúng ta không kiểm soát được kinh tế vĩ mô thì không thể có nền kinh tế độc lập, không thể tích cực, chủ động hội nhập" - Thủ tướng nhận xét.
 
Thủ tướng lưu ý kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn; thúc đẩy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của DN trong và ngoài nước; phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.
 
Nhấn mạnh lại việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nước ta trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
 
 
 
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, sáng cùng ngày, 3 hội thảo chuyên đề đã được tổ chức.
 
 
TP HCM triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho hay thành phố ý thức được ý nghĩa chiến lược của tính chất độc lập, tự chủ trong đường lối kinh tế đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh mới. Do đó, trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ DN tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao. Đây là hướng chủ yếu để chuyển các quan hệ kinh tế từ lệ thuộc thị trường, lệ thuộc đối tác bên ngoài sang mối quan hệ tương thuộc với mọi đối tác.
TP HCM cũng nhận thức rằng để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả, phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân. Để thực hiện được, theo lãnh đạo TP HCM, cần sự hỗ trợ từ nhiều chính sách khung về vĩ mô.
 
 
. Ông NGUYỄN ĐỨC CHI, Thứ trưởng Bộ Tài chính:
Hoàn thiện chính sách về thị trường vốn, bất động sản
Giai đoạn 2016-2021, quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Đến cuối quý I/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,57% GDP so với năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015. Thị trường vốn là kênh quan trọng cho các DN bất động sản để huy động vốn trung và dài hạn, phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, thị trường vốn phát triển chưa sâu, dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý hoặc ảnh hưởng của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Thị trường vốn, thị trường bất động sản cũng còn tồn tại, hạn chế. Việc huy động vốn của DN bất động sản thông qua phát hành trái phiếu DN cũng tiềm ẩn rủi ro cho thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn, thị trường bất động sản nói riêng khi việc phát hành trái phiếu DN lãi suất cao thiếu thông tin, kém minh bạch. Điều này dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn thấp; dòng tiền trả nợ trái phiếu DN đến hạn của DN khó khăn nếu thị trường bất động sản không thuận lợi. Do đó, cần thiết phải có giải pháp phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh.
Bà PHAN THỊ THẮNG, Phó Chủ tịch UBND TP HCM:
Lợi thế có riêng và đặc biệt của TP HCM
Vị trí địa lý thuận lợi, TP HCM nằm ở ngã tư quốc tế giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, là tâm điểm của khu vực Đông Nam Á, múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu (đi trước Singapore và Hồng Kông 1 giờ)... cho phép TP HCM tham gia chu trình khép kín các giao dịch tài chính toàn cầu suốt 24/24 giờ. Đây là lợi thế "riêng có và đặc biệt" để TP HCM thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm trên toàn cầu.
TP HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng thứ 561 theo chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu GFCI do tổ chức xếp hạng Z/Yen (London - Anh) công bố. Vì vậy, lựa chọn hàng đầu phù hợp nhất để phát triển trung tâm tài chính của Việt Nam vẫn là TP HCM.
. Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂN, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương:
Hai nhiệm vụ then chốt
Thực hiện đổi mới về công nghệ và tiến tới tự chủ công nghệ là 2 nhiệm vụ rất then chốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam dù đạt được những thành tựu về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng để xây dựng nền kinh tế tự chủ thì mức độ tự chủ về công nghệ chúng ta vẫn còn hạn chế, đang ở mức thấp trong năng lực đổi mới sáng tạo. Do đó, cái gốc đầu tiên là phải thay đổi các chính sách, giúp DN có thể thúc đẩy ứng dụng và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, tự chủ công nghệ.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải tập trung phát triển thị trường trong nước. Chúng ta có dân số gần 100 triệu người, tỉ lệ người dân có thu nhập trung bình cao gia tăng và là thị trường tiêu thụ cực kỳ lớn mà các DN cần có giải pháp khai thác hiệu quả.
. TS VÕ TRÍ THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh:
Cần có năng lực nội sinh
Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn kinh tế vĩ mô bất ổn với nhiều tác động bất lợi từ các cú sốc bên ngoài. Để tăng khả năng chống chịu, cần ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng chính sách tiền tệ phải linh hoạt, chính sách tài khóa phải tạo tấm đệm về nguồn lực. Ngoài ra, cần một cơ cấu kinh tế với sự tham gia của đa dạng DN; bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có sự chủ động về hàng hóa cơ bản như lương thực, năng lượng. Cuối cùng, phải có cơ chế phản ứng đủ linh hoạt, đủ nhanh, đủ hiệu lực và đủ chuyên nghiệp trước các cú sốc.
Để nền kinh tế phát triển, cần phải hội nhập nhưng để tận dụng hiệu quả hội nhập, cần có năng lực nội sinh và tự chủ, tự cường. Với nền kinh tế Việt Nam, cải thiện nội lực cần gắn với bản chất của công cuộc cải cách, gồm: cải thiện năng lực thể chế, mở rộng không gian phát triển, cải thiện năng lực quản trị của DN và của từng cá nhân.
P.An - Ng.Phan ghi
 
THANH NHÂN - PHAN ANH (nld.com.vn)

 

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu