Thứ sáu, 05/03/2021,07:21 (GMT+7)
Xây dựng phát triển thương hiệu du lịch ĐBSCL theo hướng nào?
ĐBSCL được biết đến là miệt vườn sông nước miền Tây, điểm đến “Thế giới sông nước Mekong”. Mặc dù những năm gần đây ngành Du lịch ĐBSCL có nhiều bước phát triển, nhưng so với các vùng miền khác thì vẫn là “vùng trũng”. Để vươn lên, ĐBSCL xem ngành Du lịch là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm đầu tư trọng điểm. Khung định hướng “Phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định ĐBSCL có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch và đề xuất 5 lĩnh vực phát triển thương hiệu du lịch.
Phát triển chưa tương xứng với lợi thế tiềm năng
Đồng sen ở Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Toàn
Đồng sen ở Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Toàn
 
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành Du lịch ĐBSCL là một trong những động lực phát triển kinh tế quan trọng trong những năm tới đây. Nhờ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và đặc thù bao gồm cảnh đẹp, đường thủy, lối sống trên thuyền và bờ biển, hệ động thực vật đa dạng và lòng mến khách của địa phương, vùng ĐBSCL đóng một vai trò quan trọng trong phát triển du lịch Việt Nam.
 
Đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng là vào năm 2018 đã đón gần 30 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 90%. Trong giai đoạn này, doanh thu du lịch từ 6.000 lên 24.000 tỉ đồng, tuy nhiên con số này tương đối thấp so với các khu vực khác ở Việt Nam.
 
Tầm quan trọng của ngành Du lịch đối với phát triển của vùng trong tương lai cũng được nhấn mạnh do du lịch là ngành sử dụng nhiều lao động, một số vị trí việc làm cũng không đòi hỏi nhiều kỹ năng chuyên sâu, do vậy du lịch có thể nhanh chóng tiếp nhận nguồn lao động dư thừa từ các lĩnh vực khác, như nông nghiệp.
 
Điển hình là đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát triển thành trung tâm du lịch quan trọng của vùng. Các điểm khác cũng có bước phát triển ấn tượng như: cụm cù lao Long - Lân - Quy - Phụng (Bến Tre, Tiền Giang), Cần Thơ, Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Núi Sam (An Giang), Hà Tiên, Kiên Lương và huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang).
 
Một trong những vấn đề là thời gian lưu trú của khách quốc tế trong vùng rất ngắn: trung bình 1,95 ngày. Khách nội địa là 1,7 ngày. Điều này cho thấy sự cần thiết phải cải thiện việc tiếp thị sản phẩm và cải thiện chất lượng trải nghiệm. Việc thiếu khả năng tiếp cận tổng thể và thời gian hành trình dài có thể tác động đáng kể đến việc quản lý thời gian của khách du lịch, với các điểm tham quan thường bị phân tán trong một khu vực rộng, do đó khó có thể tổ chức một tour du lịch tổng thể. Cũng có thể do các tỉnh đang tranh giành khách du lịch nhưng không tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình đối với các khu vực khác rõ ràng, khiến xảy ra tình trạng có nhiều điểm hấp dẫn nhưng thiếu quảng bá có mục tiêu.
 
Những thách thức đối với phát triển du lịch của vùng là duy trì di sản văn hóa và thiên nhiên, giảm thiểu các hạn chế về cơ sở hạ tầng. Khả năng tiếp cận dự kiến sẽ tăng lên do cải thiện đường sá và mở rộng sân bay, được dự đoán sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành Du lịch trong tương lai. Khu vực này cần tìm được vị trí thích hợp trong thị trường khách du lịch quốc gia và quốc tế. Ngoài Phú Quốc, không có địa điểm nào rõ ràng ở ĐBSCL có thể cho phép du lịch phát triển tập trung, quy mô lớn. Du thuyền trên sông sẽ là sản phẩm chính của phát triển du lịch đại trà vùng ĐBSCL.
 
Xây dựng thương hiệu trên 5 lĩnh vực
Phú Quốc hấp dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Huỳnh Biển
Phú Quốc hấp dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Huỳnh Biển
 
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để du lịch một số khu vực trọng điểm phát triển, cần phải phát triển hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, điện, nước, khách sạn, dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại và các công trình du lịch khác.
 
Trong tiềm năng đóng góp vào phát triển kinh tế của vùng nói chung, về tiềm năng của du lịch thì số lượng và quy mô có thể đạt được các khoản đầu tư này là rất nhỏ. Tiềm năng du lịch của ĐBSCL được nhấn mạnh bởi các nghiên cứu gần đây do TP Cần Thơ khởi xướng và Tập đoàn tư vấn Boston thực hiện. Kỳ vọng là tổng chi tiêu của khách du lịch trong khu vực đạt 4 tỉ USD vào năm 2030, với 19 triệu lượt khách lưu trú qua đêm.
 
Các mục tiêu này được dự báo dựa trên việc xây dựng thương hiệu du lịch khu vực và hình thành hệ thống quản lý chuyên nghiệp trong liên kết. Nghiên cứu này đã đề xuất 5 lĩnh vực để phát triển thương hiệu du lịch ĐBSCL. Đó là câu chuyện về Đất Phương Nam; du lịch dựa trên sông Cửu Long; khám phá vùng ĐBSCL; điểm đến cho doanh nghiệp; giải trí. Để giải bài toán trong những lĩnh vực này, phát triển du lịch tại Phú Quốc sẽ tập trung vào lĩnh vực giải trí; Bến Ninh Kiều (Cần Thơ) có khả năng hỗ trợ hoạt động dựa trên sông Mekong. Nhu cầu phát triển du lịch ở ĐBSCL bao gồm nhiều cân nhắc định tính khác nhau để đảm bảo tính bền vững.
 
Tăng trưởng du lịch nhanh và không được quản lý có thể dẫn đến mô hình du lịch tập trung vào một vài điểm đến, đe dọa các di sản tự nhiên, văn hóa và đô thị, đồng thời gây ra các tác động xã hội không mong muốn. Nếu không được quy hoạch hợp lý, các cơ hội mới do phát triển cơ sở hạ tầng giao thông mang lại có thể không được sử dụng cho phát triển du lịch ở ĐBSCL.
 
Thách thức chính đối với các tỉnh, thành trong vùng là quản lý tốc độ tăng trưởng nhanh này sao cho đảm bảo rằng khách du lịch được cung cấp các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, có lợi cho người dân và góp phần tích cực vào việc bảo tồn môi trường và di sản văn hóa phong phú của vùng. Để giải quyết vấn đề này, việc tập trung phát triển các điểm đến mới tại Mũi Cà Mau (Khu du lịch quốc gia Năm Căn - Cà Mau) và phát triển hệ sinh thái - du lịch quốc gia tại Vườn quốc gia U Minh Hạ (Kiên Giang) là những nguồn động lực đa dạng, khuyến khích sinh thái du lịch. Mặc dù tác động kinh tế - xã hội cuối cùng sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên có thể phát triển các mô hình du lịch bền vững tại các khu di sản thiên nhiên phù hợp với các thông lệ và tiêu chuẩn bền vững bằng cách cải thiện chất lượng nước qua việc quản lý chất thải hiệu quả; phát triển và sử dụng hiệu quả các chuỗi cung ứng địa phương để giảm áp lực vận chuyển; thu hút cộng đồng địa phương trong việc quản lý các địa điểm và tạo điều kiện cho họ hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch.
 
Nông nghiệp hữu cơ và các hình thức du lịch sinh thái khác nhau bao gồm cả du lịch sinh thái nông nghiệp sẽ giúp tăng số lượng khách du lịch đến thăm ĐBSCL. Khách du lịch có thể đến các trang trại hữu cơ, thu thập nguyên liệu cho những lớp học nấu ăn, đến rừng ngập mặn và rừng tràm ngập nước, thăm thú các địa điểm phục hồi bao gồm rừng nội địa thuộc tỉnh Đồng Tháp và trải nghiệm đồng sen - câu cá, cũng như tận hưởng vườn trái cây thuộc tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và “vương quốc” hồ tiêu Phú Quốc…
 
 Huỳnh Biển - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu