Thứ sáu, 16/10/2020,07:19 (GMT+7)
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia - “chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là của các cấp ủy đảng, chính quyền và các lực lượng xã hội… Vì lẽ đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân cũng như sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, trong nhiều năm qua, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Quan tâm đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
 
Trong 5 năm qua (2015 - 2020), công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn được các cấp chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh. Ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Để đạt được mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2015 - 2020 theo chỉ tiêu đề ra, Sở GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch và có lộ trình cụ thể từng năm để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, ngành đã tham mưu với UBND tỉnh và phối hợp với các huyện trong triển khai đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xem chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chính là một trong những mục tiêu hàng đầu đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất theo hướng tập trung, chuẩn hóa và tránh dàn trải; đầu tư trang thiết bị có trọng điểm để đảm bảo cơ sở vật chất được hoàn thiện một cách đồng bộ; có kế hoạch chọn các trường điểm, các trường có điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, có thành tích trong phong trào thi đua dạy và học để quy hoạch xây dựng trường chuẩn. Ngành giáo dục đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục, thường xuyên tự đánh giá trường học theo các tiêu chuẩn kiểm định do Bộ GD-ĐT ban hành, xem đó là thước đo và làm căn cứ cho việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn theo quy định”.
Khuôn viên Trường THCS Thị trấn Châu Thành được xây dựng khang trang, đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Ảnh: H.NHƯ
 
Là một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thời gian qua, huyện Châu Thành đã huy động nhiều nguồn lực, tích cực triển khai đến từng địa bàn cơ sở. Ông Nguyễn Văn Liêm - Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Châu Thành, phấn khởi cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 34/40 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ trên 85%, trong đó, cấp mầm non có một trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Để đạt được những kết quả đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, phòng đã tham mưu xây dựng nghị quyết chuyên đề về trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó cụ thể hóa lộ trình thực hiện để trường phấn đấu và thường xuyên rà soát các tiêu chuẩn, tiêu chí trường chuẩn cũng như tổ chức sơ kết, kiểm tra và đánh giá”.
 
Tại Trường Tiểu học An Hiệp A, xã An Hiệp (Châu Thành), công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia luôn được Ban Giám hiệu nhà trường quan tâm. Từ năm 2011, trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục duy trì trường chuẩn cho đến nay. Thầy Hà Huỳnh - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường được xây dựng với cơ sở vật chất ban đầu còn thiếu thốn, hiện trường được đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng khang trang, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu ngày một tốt hơn cho việc dạy và học, từ đó chất lượng giáo dục nhà trường được nâng lên đáng kể qua từng năm. Đặc biệt, để duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, bên cạnh điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục thì điều quan trọng nữa là duy trì được sĩ số học sinh hàng năm”.
 
Tại Trường THCS Thị trấn Châu Thành, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng rất được quan tâm. Thầy Tạ Dương Thắng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khuôn viên trường, lớp được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Đó là nhờ sự quan tâm của ngành giáo dục, chính quyền địa phương cũng như sự nỗ lực của tập thể sư phạm nhà trường trong xây dựng cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên. Năm học 2019 - 2020, trường được tái công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây cũng là động lực để mỗi cán bộ, giáo viên phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong nhà trường”.
 
Góp phần đổi thay toàn diện chất lượng giáo dục
Hoạt động trong giờ học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học An Hiệp A. Ảnh: H.NHƯ
 
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành giáo dục đã tập trung mọi nguồn lực xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia hướng tới mục tiêu chuẩn hóa cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Theo đó, ngành Giáo dục tỉnh đã lập kế hoạch chi tiết về lộ trình thực hiện và thực tế cho thấy xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia không chỉ là nhiệm vụ của các trường, ngành giáo dục mà đã được cả hệ thống chính trị, nhân dân và các địa phương quan tâm thực hiện, ủng hộ. Kết quả, đến tháng 8-2020 số trường đạt chuẩn quốc gia đạt 313/484 trường (công lập), đạt tỷ lệ 64,67%, trong đó, trường mầm non có 75 trường; tiểu học có 143 trường; THCS có 75 trường và THPT có 20 trường. Từ nay đến cuối năm 2020, ngành giáo dục tiếp tục phấn đấu để đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XIII nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra là 70% số trường đạt chuẩn quốc gia.
 
Trong số các địa phương thực hiện rất tích cực công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, phải kể đến huyện Thanh Trị. Nhờ được đầu tư xây dựng trường chuẩn, diện mạo trường, lớp ngày càng khang trang, sạch đẹp, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng được nâng lên. Được biết, toàn huyện hiện có 36/42 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 85,7%, đặc biệt, bậc học mầm non có 11/11 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện đang phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 3 trường được công nhận mới, nâng tổng số trường được công nhận đạt chuẩn trên toàn huyện lên 39/42 trường, chiếm tỷ lệ 92,86%.
 
Bên cạnh đó, qua 5 năm thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về sắp xếp mạng lưới trường lớp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Chương trình hành động số 34 của Tỉnh ủy Sóc Trăng, đến nay, số trường đã giảm đáng kể. Nếu như năm học 2014 - 2015 toàn tỉnh có 583 trường, năm học 2018 - 2019 là 540 trường, thì năm học 2019 - 2020 còn 484 trường. Trong nhiệm kỳ, chất lượng giáo dục ở các cấp học đã có những bước chuyển biến tích cực, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh đã có nhiều chuyển biến và đạt hiệu quả. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS, THPT của tỉnh trong những năm gần đây cơ bản ổn định và tỷ lệ đỗ cao đẳng, đại học tăng theo từng năm.
 
Qua đó, một lần nữa cho thấy mục đích của việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm mang lại môi trường học tập thuận lợi, tốt nhất cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Có thể khẳng định, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp phần đổi thay toàn diện chất lượng giáo dục, giúp cho ngành GD-ĐT tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong thời gian tới.
 
H.NHƯ - (baosoctrang.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu