Thứ hai, 18/11/2019,08:58 (GMT+7)
Xem xét nhập khẩu thịt lợn để ổn định cung cầu
Trước tình trạng giá thịt lợn tăng cao, gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, phương án xem xét nhập khẩu thịt lợn để góp phần ổn định cung cầu đã được tính đến.
 
Thông tin tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình liên quan đến giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019 cho thấy, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước).
 
Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.

 

xem xet nhap khau thit lon de on dinh cung cau
Nhập khẩu thịt lợn để ổn định cung cầu
 
Về vấn đề giá thịt lợn, thời gian qua, giá trung bình cả nước khoảng 60.000-67.000 đồng/kg lợn hơi, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000-80.000 đồng/kg, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường. Bên cạnh đó đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.
 
Theo Tổng cục Thống kê, giá thịt lợn thời điểm này đã tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước, ở miền Bắc, tháng 11/2019, giá lợn hơi ở mức 70.000-75.000 đồng/kg, cá biệt ở Lào Cai, Hưng Yên lên tới 78.000 đồng/kg, ở miền Trung dao động mức 70.000 đồng/kg và miền Nam từ 65.000-75.000 đồng/kg.
 
Dự kiến quý IV/2019, tổng nhu cầu khoảng hơn 600.000 tấn và với mức cung căn cứ trên tổng đàn tháng 10 và mức nhập khẩu như hiện nay thì tổng cung sẽ là hơn 400.000 tấn, thiếu hụt hơn 200.000 tấn. Do đó, phải có hướng để kiểm soát xu thế giá tăng cao, hạn chế lạm phát kỳ vọng, tạo dư địa cho điều hành giá năm 2020.
 
Nhận định nguồn cung thịt lợn trong nước thiếu hụt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhanh chóng công bố tình trạng và đưa ra các giải pháp đáp ứng cung-cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là trong dịp Lễ, Tết khi nhu cầu thịt lợn tăng từ 25-30%/ngày. Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT phải dự đoán nhu cầu thịt lợn và nguồn cung của từng tháng từ nay tới Tết Nguyên đán Canh Tý.
 
Không chỉ vậy, Bộ NN&PTNT có trách nhiệm báo cáo Chính phủ kế hoạch bù đắp nguồn cung và không để dư thừa nguồn cung trong thời gian tới. Phần thiếu hụt, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán từng tháng, báo cáo Chính phủ nhập khẩu thêm từ nước ngoài, bảo đảm cung-cầu thịt lợn trong nước, hài hòa lợi ích người sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp trong lưu thông, phân phối…
 
Về phía Bộ Công Thương, để bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán, ngay từ những tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã triển khai một số nội dung.
 
Cụ thể, có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ tại các Báo cáo tháng 6, tháng 8, tháng 9 và tháng 10 của Tổ Điều hành Thị trường trong nước về một số biện pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.
 
Trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở ngành trên địa bàn phối hợp triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thịt lợn, các địa phương có biên giới kiểm soát chặt chẽ việc mua bán thịt lợn qua biên giới, không để ảnh hưởng đến nguồn cung và giá thịt lợn trong nước, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
 
Đề nghị Bộ NN&PTNT theo dõi sát hoạt động chăn nuôi, đánh giá chính xác năng lực tái đàn để cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; phối hợp chặt chẽ và kịp thời với Bộ Công Thương trong việc bảo đảm nguồn cung thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung cho thị trường, phục vụ công tác bình ổn thị trường.
 
Ngay sau đó, tháng 10/2019, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính thức về tình hình sản xuất, dự kiến nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán đối với mặt hàng thịt lợn để Bộ Công Thương có căn cứ điều hành thị trường hợp lý, bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.
 
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diến biến tình hình thị trường thịt lợn, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả. Đồng thời, Bộ đã và đang làm việc với UBND một số tỉnh, thành phố có hệ thống phân phối, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao và một số tỉnh, thành phố có nguồn cung, hệ thống phân phối mặt hàng thịt lợn lớn về kế hoạch bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý, trong đó có nội dung về bảo đảm cân đối cung cầu, thị trường mặt hàng thịt lợn.
 
Trên cơ sở đánh giá tình hình sản xuất, tiêu thụ, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã thống nhất nếu cần thiết sẽ xem xét khả năng nhập khẩu thịt lợn chính ngạch từ nguồn an toàn với giá cả hợp lý để bù đắp thiếu hụt trong nước và hạn chế việc tăng giá mặt hàng này, đảm bảo không để thiếu thịt hoặc tăng giá quá đột biến.
Bảo Ngọc  link - (congthuong.vn)
T/h: Y Phương - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu