Thứ hai, 18/05/2020,08:36 (GMT+7)
Xóa dần cánh đồng mía
Hàng chục năm về trước, những cánh đồng mía bạt ngàn ở miền Tây đã góp phần giúp nhiều nông dân nuôi con ăn học, xây nhà kiên cố, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, mấy năm nay giá mía nguyên liệu giảm mạnh và khó tiêu thụ đã đẩy người trồng mía vào cảnh khốn khó.
 
Nông dân bỏ mía
 
Hậu Giang là một trong những địa phương trồng mía lâu năm với diện tích lớn ở miền Tây, đồng thời cũng là nơi có nhiều nhà máy đường hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển cây mía. Thế nhưng vài năm gần đây, diện tích mía ở Hậu Giang không tăng, mà còn giảm đi rất nhanh.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, nếu như vụ mía năm 2018, nông dân trong tỉnh sản xuất hơn 10.581ha thì sang năm 2019 giảm xuống còn 8.147ha và kế hoạch vụ mía của năm 2020 chỉ còn 5.800ha… Nguyên nhân dẫn đến những cánh đồng mía liên tục bị thu hẹp là do tình trạng tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp chỉ 600-700 đồng/kg, trong khi chi phí giá thành hơn 676 đồng/kg khiến nông dân từ hòa đến lỗ. Bên cạnh đó, vụ mía vừa rồi ở Hậu Giang chỉ còn 1/3 nhà máy đường hoạt động; máy móc trục trặc, thu mua muộn… cộng với nhân công thu hoạch thiếu trầm trọng, làm tăng chi phí và giảm năng suất, chữ đường, khiến nông dân thiệt trăm bề.
 
Ông Huỳnh Văn Nhành, hơn 22 năm trồng mía ở xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh (Hậu Giang), ngao ngán: “Vùng này ở gần nhà máy đường Vị Thanh nên trước đây mía bạt ngàn, nhà nhà đều trồng mía. Vậy mà giờ đây, cứ 10 hộ thì có tới 9 hộ phá bỏ ruộng mía để trồng cây khác, bởi càng làm mía càng lâm nợ vì thua lỗ”. Chỉ chúng tôi ruộng mía bỏ hoang cho cỏ mọc, ông Nguyễn Thanh Tùng (xã Hỏa Lựu) cho hay, vụ rồi 4,5 công mía bị lỗ vốn hơn 10 triệu đồng sau gần 1 năm vất vả chăm sóc. Do cây mía quá bấp bênh nên ông quyết định từ bỏ và tạm thời đi làm phụ hồ kiếm sống, từ từ tính toán chuyển đổi cây trồng.
 
Xóa dần cánh đồng mía ảnh 1
Nông dân Hậu Giang chuyển đất mía sang trồng bắp
 
Ở Trà Vinh và Sóc Trăng, tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Út, ngụ xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), buồn bã: “Mấy năm nay giá mía bèo quá, có lúc thương lái chỉ mua 300-500 đồng/kg nên nông dân không cách nào sống được. Ở dãy cù lao này, một thời cây mía chạy dài hơn 8.500ha, nhưng nay đành phải phá bỏ hàng loạt. Hiện tại đang vào thời điểm sản xuất vụ mía mới 2020-2021 trong điều kiện bất lợi như hạn mặn gay gắt, giá thấp… khiến bà con thấp thỏm lo âu”.
 
Ông Thạch Sô Phal, Phó phòng NN-PTNT huyện Trà Cú (Trà Vinh), bộc bạch: “Ngay từ đầu năm, chúng tôi lên kế hoạch sản xuất vụ mía mới 2020-2021 khoảng 1.800ha, giảm khoảng 700ha so vụ trước. Dù vậy, đến giờ này nhiều nông dân thờ ơ, chứng tỏ thời hưng thịnh của cây mía đã đi qua”. Tại Kiên Giang và Cà Mau, 2 nhà máy đường không còn hoạt động đã nhiều năm, trong khi cây mía gần như xóa sổ.
 
Trồng cây khác
 
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, khoảng 3 năm gần đây, mía là cây trồng mà nông dân phá bỏ nhiều nhất với hàng ngàn hécta mỗi năm. Hiện tại, các loại cây khác như bắp, mè, rau màu, nhãn, xoài, sầu riêng, mãng cầu… được phủ xanh trên đất mía, đem lại những hy vọng mới cho nông dân.
 
Bà Nguyễn Thị Huê, xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh (Hậu Giang), tâm sự: “Sau khi bỏ cây mía, gia đình tôi chuyển 6,5 công sang trồng bắp đến nay được gần 2 tháng. Mới đây, thương lái đến đặt cọc mua bắp tại ruộng với giá 1.500 đồng/trái; tính ra sau khi trừ chi phí còn lời khoảng 20 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng mía và thời gian rút ngắn chỉ 65-70 ngày/vụ”.
 
Theo ông Trần Văn Phục, Giám đốc HTX Nhãn Idol Cù Lao Dung (Sóc Trăng), mấy năm nay ông và hàng chục nông dân khác bỏ ruộng mía để chuyển sang trồng nhãn Idol cho hiệu quả rất khả quan. Bình quân sau hơn 3 năm chăm sóc nhãn bắt đầu cho trái với năng suất 22-25 tấn/ha, giá bán khoảng 22.000 - 30.000 đồng, trừ chi phí đầu tư, nông dân còn lãi từ 500 triệu đồng/ha trở lên. So ra cây mía không cách nào bì kịp.
 
UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Cùng với cây nhãn đã khẳng định chỗ đứng trên đất mía, huyện khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích trồng rau màu, cây ăn trái khác, nuôi thủy sản… nhằm tiếp tục giảm mạnh diện tích mía trong thời gian tới. Huyện sẽ tăng cường đầu tư thủy lợi, hạ tầng giao thông, hỗ trợ nguồn giống chất lượng, kỹ thuật sản xuất… giúp người dân chuyển đổi hiệu quả”.
 
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, chia sẻ: “Thời gian qua, hàng loạt nông dân trong tỉnh đã bỏ cây mía để chuyển sang trồng bưởi da xanh, trồng dừa, chanh, rau màu hoặc trồng cỏ để nuôi bò… Tất cả đều mang lại thu nhập cao hơn mía và cây mía không còn nằm trong cơ cấu phát triển về lâu dài nữa”.
 
Tại Hậu Giang, ngành chức năng phối hợp cùng chính quyền địa phương và nông dân tiếp tục chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác. Riêng năm 2020, sẽ có khoảng 2.091ha đất mía được định hướng chuyển sang trồng cây ăn trái, rau màu, trồng lúa… thậm chí trồng cây tràm và tre.
 
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang khuyến khích nông dân tăng cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ mới đưa vào sản xuất cho từng loại cây trồng nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Ưu tiên sản xuất những cây trồng có đầu ra ổn định, được các đơn vị bao tiêu sản phẩm.
 
Huỳnh Lợi - (sggp.org.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu