Thứ bảy, 02/11/2019,15:49 (GMT+7)
Xu hướng điều trị ung thư trong thập kỷ tới
Các phương pháp điều trị ung thư hiện đại như sinh thiết lỏng, liệu pháp miễn dịch và y học cá thể hóa... dự kiến sẽ làm thay đổi đáng kể phương pháp điều trị ung thư trong thập kỷ tới, giúp bệnh nhân ít đau đớn hơn và sống lâu hơn.

Sinh thiết lỏng

Khi bệnh nhân có khối u nghi ung thư, bác sĩ thường làm sinh thiết mô bằng cách lấy mẫu khối u và kiểm tra tế bào dưới kính hiển vi nhằm xác định nó có phải u ác tính hay không. Tuy nhiên, sinh thiết mô thường được tiến hành khi ung thư đã phát triển và lan rộng. Tin vui là các trung tâm ung thư lớn đang nghiên cứu ứng dụng phương pháp sinh thiết lỏng - tức là xét nghiệm máu của bệnh nhân để tìm ra thành phần tạo nên khối u như các prôtêin ARN hoặc ADN đột biến. Bằng cách này, người bệnh có thể được chẩn đoán ung thư sớm hơn so với chẩn đoán bằng hình ảnh hoặc sinh thiết mô, nhờ đó cơ hội chữa khỏi bệnh cũng cao hơn.

 

Hiện tại, Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ), thông qua Sáng kiến ngăn chặn và phòng ngừa chính xác, đang áp dụng kỹ thuật sinh thiết lỏng để chẩn đoán cho những người mắc một bệnh liên quan đến tuổi tác gọi là tạo máu vô tính, vốn làm tăng nguy cơ phát triển một số dạng ung thư máu như bệnh bạch cầu (leukemia).

 

Liệu pháp nhắm trúng đích thay thế hóa trị

Hóa trị hiện là lựa chọn duy nhất để điều trị ung thư giai đoạn cuối. Song, thuốc hóa học thường phá hủy các tế bào ung thư lẫn khỏe mạnh, dẫn đến các tác dụng phụ như buồn nôn và suy giảm miễn dịch do tế bào máu thấp. Đặc biệt, những người lớn tuổi bị tác dụng phụ nặng hơn nếu có sẵn tình trạng thiếu máu hoặc chức năng thận kém, nên nhiều bác sĩ ngại chữa cho họ bằng cách này.

 

Tuy nhiên, trong thập kỷ tới, các bệnh nhân ung thư lớn tuổi sẽ hưởng lợi với liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted Therapy) - tức ngăn chặn sự phát triển, phân chia và lan rộng của tế bào ung thư. Liệu pháp này hoạt động bằng cách tấn công và ngăn chặn các gien hay prôtêin đặc trưng trong tế bào ung thư có liên quan đến sự phát triển của khối u, điển hình là thuốc trị ung thư vú Herceptin. Phó Giáo sư Douglas Nelson tại Trung tâm Ung thư MD Anderson cho biết phương pháp này ít phá hủy các tế bào khỏe mạnh.

 

Liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T

Giới bác sĩ cho biết phương pháp kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư sẽ là cách chữa ung thư quan trọng trong tương lai. Hiện nay, các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư gồm có vắc-xin chống ung thư và các kháng thể đơn dòng - tức những prôtêin và chất ức chế của hệ miễn dịch được sản xuất trong phòng thí nghiệm giúp cơ thể nhận biết và tấn công các tế bào ung thư. Nhưng phương pháp mới có tên liệu pháp miễn dịch tế bào CAR-T đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu và hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị ung thư. Trong đó, tế bào miễn dịch của cơ thể gọi là tế bào T được biến đổi gien để chống lại các tế bào ung thư hiệu quả hơn.

 

Điển hình, các loại thuốc như Yescarta và Kymriah áp dụng liệu pháp miễn dịch mới đã chứng tỏ khả năng đẩy lùi một số dạng ung thư máu như bệnh bạch cầu hay ung thư hạch bạch huyết, với hiệu quả kéo dài. Hiện các chuyên gia đang thử nghiệm liệu pháp CAR-T với ung thư vú và hy vọng nó sẽ hiệu nghiệm.

 

Y học cá thể hóa

Phương pháp y học cá thể hóa, hay còn gọi là y học chính xác đối với từng người, thay đổi di truyền trong khối u của bệnh nhân để xác định cách chữa trị. “Chúng ta có thể lấy khối u của bệnh nhân và tìm ra chuỗi ADN của nó rồi phân tích những thay đổi về gien có thể thúc đẩy khối u phát triển”- Dale Shepard, bác sĩ chuyên khoa ung thư tại Bệnh viện Cleveland Clinic, cho biết. Theo ông, thay vì áp dụng hóa trị cho mọi bệnh nhân và hy vọng một vài người sẽ đáp ứng với nó, chúng ta giờ có thể chọn lọc hoặc kết hợp sử dụng thuốc cho một nhóm nhỏ bệnh nhân để đánh giá hiệu quả điều trị ở mỗi người.

 

Cách mạng hóa lĩnh vực thử nghiệm lâm sàng

Theo ước tính, chỉ khoảng 3% bệnh nhân ung thư ở Mỹ tham gia các thử nghiệm lâm sàng, tỷ lệ này thậm chí thấp hơn với những bệnh nhân lớn tuổi có mang trong mình chứng bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp. Trong khi đó, các loại thuốc điều trị ung thư cần phải thông qua quy trình thử nghiệm lâm sàng mới có thể đánh giá hiệu quả và được Cục Quản lý Thực - Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn.

 

Để khắc phục hạn chế trên, hồi tháng 3, FDA đã ban hành tài liệu hướng dẫn mới về việc mở rộng tiêu chí tham gia thử nghiệm lâm sàng thuốc ung thư. Điều đó đồng nghĩa các thử nghiệm lâm sàng sẽ cho phép nhiều người lớn tuổi tham gia, kể cả những người khó đi lại hoặc gặp các vấn đề sức khỏe khác.

 

Trước đây, các thử nghiệm lâm sàng thường được tiến hành tại các trung tâm y tế lớn khiến bệnh nhân ngại tham gia. Nhưng nay, nhiều trung tâm ung thư và các công ty dược phẩm lớn cũng đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các bệnh nhân tham gia, như sắp xếp phương tiện đi lại và chỗ ở, thậm chí cho phép bệnh nhân đăng ký tham gia thử nghiệm từ xa.

TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu