Nhà máy xi măng VICEM Hoàng Thạch.
Đi đầu đổi mới và sáng tạo
Không chỉ sản xuất xi măng, VICEM khát vọng đưa ngành xi măng trở thành công cụ xử lý các vấn đề môi trường bằng các dự án sản xuất với chu trình tuần hoàn không phát thải, làm thay đổi công nghệ sản xuất xi măng hơn 100 năm qua, đưa xi măng trở thành ngành kinh tế tổng hợp, phát triển xanh, bền vững.
Khát vọng ấy đang dần thành hiện thực ở VICEM Hoàng Thạch - nơi được coi là cái nôi kỹ thuật hàng đầu của ngành xi măng Việt Nam nói chung và của VICEM nói riêng. Hiện VICEM Hoàng Thạch đang tích cực nghiên cứu các nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng nhằm giảm bớt tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường như dự án đốt rác thải công nghiệp thay thế than; dự án sử dụng bùn thải thay thế đất sét; dự án tận dụng xỉ nhôm, chất thải vật liệu xây dựng hay các công trình xây dựng bị phá dỡ, tận dụng tro xỉ của nhiệt điện làm phụ gia cho sản xuất xi măng…
Đầu năm 2020, VICEM Hoàng Thạch đã ký hợp đồng với Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê (Bắc Ninh) mua bùn để phối trộn thay thế một phần nguyên liệu sét. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển 1 tấn bùn thải từ Bắc Ninh về Hải Dương là 131.400 đồng (UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ hỗ trợ 60 nghìn đ/tấn), trong khi giá đất sét nguyên liệu chỉ 31.102 đ/tấn, cộng thêm chi phí máy búa đập nhỏ. Theo tính toán chi phí sản xuất 1 tấn clinker có sử dụng bùn thải cao hơn 4.800 đồng so với sản xuất nguyên liệu bằng sét.
VICEM Hoàng Thạch đẩy mạnh việc đốt rác thải trong sản xuất clinker thay thế than. Kết quả bước đầu khả quan khi nhiên liệu thay thế bình quân là 25 kCal/kg, tương ứng thay thế 2,97% so với tổng nhiệt tiêu hao toàn nhà máy.
Đặc biệt dự án nghiên cứu sản xuất clinker low carbon nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo đang được VICEM Hoàng Thạch triển khai tích cực, đi đầu. VICEM Hoàng Thạch đã thực hiện 2 đợt sản xuất clinker low carbon với tổng số 34 ngày, tạo ra 128 nghìn tấn sản phẩm clinker. VICEM Hoàng Thạch đang đánh giá lại nếu đạt mục tiêu sẽ sản xuất.
Cần cơ chế chính sách hỗ trợ
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng giám đốc VICEM Hoàng Thạch Lê Văn Khôi nhấn mạnh: VICEM Hoàng Thạch đẩy mạnh nghiên cứu, đã thử nghiệm và thành công trong đốt rác thải công nghiệp thay thế than trong sản xuất clinker ở dây chuyền 2 và 3. Tuy nhiên, DN đang gặp khó khăn trong thu gom rác cũng như chi phí xử lý. Rác thải từ nhiều nguồn khác nhau nên không đồng nhất trong khi công nghệ chế biến, phân loại rác còn hạn chế.
Việt Nam đã có nhiều công nghệ xử lý chất thải như đốt tầng sôi, đốt bỏ trực tiếp, tận dụng khí từ bãi chôn lấp để phát điện nhưng đến nay hầu hết các địa phương vẫn sử dụng phương pháp chôn lấp, đốt thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ đốt rác trong sản xuất clinker của xi măng với ưu thế vượt trội, nếu được đẩy mạnh thì các vấn đề môi trường của đất nước được giải quyết triệt để.
Mục tiêu đốt rác thải hay sử dụng bùn thải, xỉ nhôm, tro xỉ than, VLXD trong các công trình bị phá dỡ… là giúp môi trường trong sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cho đất nước, tiết kiệm chi phí cho DN. Nhưng qua thực tế triển khai ở VICEM Hoàng Thạch cho thấy nếu không có cơ chế hỗ trợ hiệu quả thì chi phí sản xuất bị đẩy lên so với trước đây.
VICEM nói chung và VICEM Hoàng Thạch nói riêng hoàn toàn có khả năng đóng góp lớn để xử lý các vấn đề môi trường cho đất nước nhưng nếu không có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách thì DN rất khó có thể triển khai đồng bộ, hiệu quả. Hy vọng trong tương lai không xa phương pháp sử dụng nguồn chất thải đô thị và chất thải khác làm chất đốt thay thế than của VICEM được triển khai rộng rãi thì các vấn đề ô nhiễm môi trường do rác gây ra sẽ được giải quyết triệt để.
Thảo Nguyên - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)