Xuất siêu trong khó khăn
Cá tra Việt Nam vẫn được ưa chuộng khi kim ngạch xuất khẩu sang nhiều thị trường chính tăng trưởng tốt trong quý I. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến giữa tháng 3-2020, tổng giá trị XK cá tra đạt 267,8 triệu USD. Chỉ trong nửa đầu tháng 3, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ đã tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng giá trị XK cá tra. Bên cạnh đó, XK cá tra sang Hồng Kông, Trung Quốc đã khởi động trở lại kể từ tháng 2-2020 và hoạt động XK đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3-2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã được gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2.
Cá tra là một trong những mặt hàng đang nỗ lực vượt khó để gia tăng kim ngạch XK trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và hàng loạt các đối tác thương mại lớn của nước ta ra chính sách đóng cửa biên giới để đề phòng dịch bệnh lây lan. Thực tế, khó khăn của tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn đã được dự báo ngay khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan mạnh bên ngoài Trung Quốc. Song ngay tại thời điểm đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm thị trường mới, tháo gỡ khó khăn tại cửa khẩu… Doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, thị trường mới…
Nhờ đó, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu quý I đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7%. Tuy nhiên, kim ngạch XK vẫn ghi nhận tín hiệu khả quan khi đạt 59,08 tỷ USD, tăng 0,5%.
Mặc dù mức tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 đạt mức thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, song đây cũng là xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực trong hai tháng đầu năm 2020 kim ngạch XK của hàng loạt quốc gia sụt giảm. Cụ thể, Trung Quốc giảm 17%, Hàn Quốc giảm 1,5%, Thái Lan giảm 0,8%, Nhật Bản giảm 4,1%, Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 12%; Đài Loan (Trung Quốc) giảm 6,3%...
Trong kết quả này, khối doanh nghiệp trong nước là điểm sáng khi kim ngạch XK ước đạt 18,65 tỷ USD, tăng 8,7%, cao hơn nhiều mức tăng bình quân chung cả nước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD sau quý I, cao hơn so với mức thặng dư 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả này cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tác dụng.
Kỳ vọng gì cho những tháng tới?
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời, tạo sự đứt gãy nguyên phụ liệu đầu vào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đang phải đối diện với nỗi lo thiếu lao động khi nhiều lao động nghỉ việc khi không có việc làm, đặc biệt là ở các ngành cần nhiều lao động và chiếm tỷ trọng XK tương đối lớn là dệt may, da giày…
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam (Lefaso) chia sẻ, hiện nguồn cung nguyên liệu mặc dù đã có sự quay trở lại nhưng không đa dạng nên không đủ chủng loại nguyên liệu để đáp ứng cho sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều khách hàng không tiếp tục đặt hàng do tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động mua bán.
Tuy nhiên, XK hàng hóa Việt Nam cũng có những kỳ vọng tích cực trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nhận định, những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, rau quả tươi… thế giới vẫn cần, thậm chí chỉ cần dịch Covid-19 bớt đi thì nhu cầu sẽ nhiều hơn. Mặt hàng cá tra, cá basa… của Việt Nam có khá nhiều lợi thế vì vẫn được nhiều thị trường trên thế giới ưa chuộng.
“Đáng chú ý, một trong những thị trường lớn nhất của hàng Việt là Trung Quốc đã bước đầu khống chế được dịch. Đây là cơ hội lớn để ta đẩy mạnh XK sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng rất được thị trường này ưa chuộng như lương thực, thực phẩm, rau quả tươi…”, ông Phạm Tất Thắng chỉ rõ.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới cũng được kỳ vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước. Nếu EU khống chế được dịch Covid-19 trong quý 2 để bắt đầu quý 3, quý 4 khôi phục lại hoạt động sản xuất thì EVFTA sẽ là cánh cửa rộng để đưa hàng sang thị trường EU, nơi có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều mặt hàng như dệt may, giày dép, đồ gỗ, điện thoại, linh kiện điện tử…
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng được các ngân hàng tung ra cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm. Ngân hàng Nhà nước giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiếu khấu chỉ còn 3,5%/năm…; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhiều chính sách hữu ích khác trợ sức cho doanh nghiệp cũng được triển khai, như lùi thời điểm đóng phí công đoàn; chỉ xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) từ 31-12-2019 trở về trước, không phát động chiến dịch thanh tra năm 2020 về BHXH…
Những giải pháp trên đã tạo niềm tin cho cộng đồng DN. Ông Trần Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giày Phúc Yên chia sẻ, dù các gói hỗ trợ chủ yếu dành cho các loại hình vay vốn, hỗ trợ giảm lãi suất đối với những đơn vị phải mua nguyên vật liệu đầu vào nhưng cũng là rất tốt. Các chính sách miễn giảm, lùi đóng BHXH, công đoàn cho người lao động cũng giúp doanh nghiệp phần nào giảm gánh nặng chi phí. Quan trọng là phải làm sao tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm được nhận hỗ trợ, trợ sức cho doanh nghiệp đúng thời điểm khó khăn nhất.