Nhiều người biết đến món tung lò mò là đặc sản truyền thống, món ăn mang đậm bản sắc dân tộc của người Chăm. Với thực khách, tung lò mò thật sự là món ăn ngon, lạ và bổ dưỡng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, món ăn này gắn liền với một truyền thuyết của người Chăm.
Theo truyền thuyết, vào thời hỗn mang, trái đất hoàn toàn tĩnh lặng. Cảm thấy buồn khi không có sự sống trên trần gian, thượng đế (Allah) đã sai sứ thần lấy 4 loại đất sét đen, trắng, vàng, đỏ tạo thành người đàn ông đầu tiên là Nabi Adam, có xác nhưng chưa có hồn. Sự xuất hiện của ông Adam đã làm cho ma quỷ lo sợ quyền uy của chúng sẽ bị mất.
Chờ cho Adam ngủ mê, chúng kéo lại phóng uế lên người ông để làm nhục. Khi tỉnh dậy, ông thấy toàn thân thể mình là những thứ hôi thối, ông đau khổ và xấu hổ vô cùng. Thượng đế sai lấy nước thiên đàng tắm rửa cho Adam. Trong quá trình tẩy rửa, những chất dơ bẩn trên thân thể Adam đã biến thành con heo, con chó. Sau khi tẩy rửa xong Adam có lời thề: “Heo và chó là kẻ thù của ta và con cháu ta sau này”.
Chính vì thế, đối với người Chăm (theo Hồi giáo), thịt heo là thực phẩm cấm kỵ. Để thưởng thức món lạp xưởng, họ đã chế biến ra lạp xưởng bằng thịt bò, gọi là tung lò mò. Với công thức chế biến rất riêng, món ăn này ban đầu chỉ phổ biến trong cộng đồng Chăm, được xem là món ngon để dành ăn dần, tương tự như khô cá đồng, mắm cá đồng của người dân Nam Bộ. Trong quá trình hội nhập, món ăn này dần được nhiều du khách và những người mê ẩm thực nơi khác biết đến, trở thành món ngon đặc sản hấp dẫn nhiều người.
Thay vì “tận thu” những phần vụn của con bò như trước đây, người Chăm đã lựa chọn những phần thịt ngon nhất của con bò (đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương), khử mùi bò bằng rượu và gừng, loại bỏ hết gân và bầy nhầy, sau đó xắt nhuyễn, ướp gia vị với công thức riêng rồi nhét trở vào ruột bò để cho ra những khúc tung lò mò ngon nhất.
Nhộn nhịp làng nghề
Ngày nay, ở ấp Phũm Soài (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm sinh sống, đã hình thành hẳn làng nghề chuyên làm lạp xưởng bò. Ngoài phục vụ cho cộng đồng Chăm, một số hộ đã cải tiến quy trình làm, công thức ướp gia vị để cho ra sản phẩm phù hợp với khẩu vị của đa số người tiêu dùng trong nước.
Trong số đó, cơ sở ANAS của anh Hứa Hoàng Vũ (tên tiếng Chăm là Salếch) là nhộn nhịp nhất, bởi với nỗ lực đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu, lạp xưởng bò ANAS hiện được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ rộng.
Dịp cuối năm 2020 cũng như gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, cơ sở càng gia tăng sản xuất để cung ứng cho các đại lý phân phối, đáp ứng đơn hàng của đối tác cũng như bán trên các trang thương mại điện tử.
“Sản phẩm được cho vào túi ny-lon, hút chân không, nếu để ở ngăn đông tủ lạnh thì có thể dùng được 6 tháng. Dịp lễ, Tết hay những ngày cuối tuần, đem tung lò mò ra cắt từng miếng, nướng trên bếp than hồng hoặc lò nướng, gắp mời khách khi còn nóng hổi, ăn kèm rau sống phải nói là hết xảy. Khi nướng lên, lớp ruột bò bên ngoài căng cứng, rịn ra một lớp mỡ bóng và ướt, tạo ra mùi thơm ngất ngây không cưỡng lại được” - anh Vũ chia sẻ.
Mặc dù ứng dụng dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất nhưng có những khâu, vẫn phải tận dụng đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Chăm. Chị em phải biết lựa chọn những phần thịt bò ngon nhất của con bò, lóc thịt, rửa thịt sạch sẽ, để ráo nước, khử mùi bằng muối, rượu và gừng. Những chị em khác thì phụ trách khâu xử lý ruột bò làm bao bên ngoài. Ruột bò được lộn bề trái, cạo, rửa nước muối thật sạch rồi lộn lại, phơi hơi se.
Đối với khâu trộn thịt với mỡ bò (dùng loại mỡ sa và mỡ chày) cùng các loại gia vị riêng, dồn vào ruột bò, đòi hỏi những đôi tay lành nghề và nhanh nhẹn. Sản phẩm sau khi đem phơi dưới nắng tốt, sẽ được đóng gói và hút chân không bằng máy.
Đối với những ai từng thưởng thức tung lò mò, dễ cảm nhận món ăn này có sức mê hoặc rất lạ. Anh Vũ cho biết, sau khi được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm của cơ sở ANAS đã được tham gia vào hệ thống các cửa hàng sản phẩm OCOP (trưng bày và bán hàng trực tuyến), được chọn tham gia vào gói quà tặng đặc sản An Giang.
“Cơ sở xem đây là cơ hội tốt để tăng cường quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường. Để mọi người dễ tiếp cận, sử dụng sản phẩm, cơ sở luôn cố gắng giữ lại hương vị truyền thống đặc trưng của người Chăm trong tung lò mò, vừa cải tiến mẫu mã, điều chỉnh gia vị sao cho phù hợp vị giác theo góp ý của khách hàng” - chủ cơ sở ANAS Hứa Hoàng Vũ khẳng định.
Cơ sở sản xuất - kinh doanh lạp xưởng bò ANAS là một trong những niềm tự hào của người Chăm Islam tỉnh An Giang. Cùng với chứng nhận OCOP cấp tỉnh, cơ sở đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ điều kiện vươn xa ra thị trường trong nước
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN - (baoangiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)