Lần đầu tiên thực hiện ghép hai tạng cùng lúc
Sau những thành tựu của ghép phổi, năm 2019, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chinh phục một ca ghép đa tạng gan và thận đồng thời cho một bệnh nhân quốc tịch Lào bị suy gan, suy thận giai đoạn cuối. GS Trần Bình Giang – Giám đốc bệnh viện đã quyết định sẽ ghép đồng thời (1 thì) cả gan và thận cho người bệnh từ người cho chết não để thay thế hai tạng đã suy.
Dựa vào kinh nghiệm thực tế qua 840 trường hợp ghép thận và 74 trường hợp ghép gan, ngày 17-12-2019, với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ đã thành công, gan và thận mới ghép đã hoạt động.
Ghép đồng thời gan - thận là một kỹ thuật khó trong lĩnh vực ghép tạng, đòi hỏi có đủ kinh nghiệm trong ghép gan và thận. Việc thay thế cũng lúc hai tạng sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, sử dụng nhiều kỹ thuật phức tạp (như lọc máu liên tục trong mổ) và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm phẫu thuật.
Cũng trong năm qua, lần đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiến hành vừa ghép phổi, vừa xử lý can thiệp bệnh lý tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn cho bệnh nhân nữ gần 30 tuổi. Người bệnh bị suy chức năng tim, phổi và sẽ sớm tử vong nếu không được ghép phổi. Các bác sĩ đã tiến hành mổ tim hở sửa dị tật tim bẩm sinh (vá thông liên nhĩ, sửa van ba lá), sau đó tiến hành ghép phổi.
Ngay sau khi đưa phổi ghép hoạt động trở lại, các thông số huyết động và hô hấp đã lập tức trở lại kỳ diệu như người có phổi bình thường, áp lực động mạch phổi giảm từ hơn 110mmHg trước mổ xuống 20mmHg, bão hòa ô-xy 100%.
Lần đầu tiên, bác sĩ Việt Nam ghép xương đùi nhân tạo in 3D
Nhờ sự phát triển và ứng dụng của công nghệ in 3D cùng với sự thừa hưởng những thành tựu của ngành công nghệ vật liệu thay thế y sinh học đem lại; đặc biệt cùng sự ra đời của công nghệ sử dụng vật liệu PEEK trong tạo hình xương nhân tạo, nhóm nghiên cứu của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K đã tìm ra một hướng đi mới điều trị triệt để cho những bệnh nhân có bệnh lý u xương phức tạp.
Theo đó, bằng việc ứng dụng vật liệu PEEK - vật liệu Polyme mới được ứng dụng trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình trên thế giới – có các đặc tính phù hợp để tạo ra các vật liệu sinh học cấy ghép vào cơ thể người như tính chịu lực, tính đàn hồi, khả năng tương thích sinh học rất cao, không bị thải ghép và cũng như dễ dàng chế tác, in 3D theo khuôn mẫu. Sản phẩm của quy trình trên là tạo ra một đoạn xương đùi nhân tạo giống y hệt đoạn xương của bệnh nhân, đồng thời được thiết kế thêm để phù hợp với quá trình cấy ghép.
Để liên kết giữa phần xương nhân tạo này và đoạn xương còn lại của bệnh nhân, các bác sĩ sử dụng hệ thống khớp nhân tạo titan đặc biệt được thiết kế riêng phù hợp với cấu trúc của đoạn xương nhân tạo, giúp cho hai phần xương được cấy ghép liên kết chặt chẽ, bảo đảm khả năng chịu lực và truyền tải lực.
Kỹ thuật này, năm qua đã được các bác sĩ Đơn nguyên Phẫu thuật khớp háng và khung chậu, thuộc Khoa Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội thực hiện thành công hai ca ghép xương đùi đầu tiên bằng vật liệu PEEK in 3D dài gần 20 cm thay thế cho đầu trên xương đùi của hai nam bệnh nhân đã bị biến dạng bởi u xương.
Lần đầu tiên, Việt Nam can thiệp bào thai trong bụng mẹ
Với mong muốn phát triển cơ hội cứu sống trẻ sơ sinh ngay từ trong bụng mẹ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai (đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng). Đây không chỉ là một bước tiến của kỹ thuật sản phụ khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và cả nước mà còn thể hiện tinh thần nhân văn sâu rộng, ý nghĩa to lớn.
Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp thành công cho 15 sản phụ mắc các bệnh lý truyền máu song thai do thai phụ mang song thai chung bánh rau phức tạp, thai nhi bị hội chứng những dải xơ trong buồng ối. Trong đó, có hai ca mắc hội chứng song thai truyền máu song thai đã được các bác sĩ tích cực can thiệp và chào đón những thiên thần chào đời khỏe mạnh trong tháng 12 vừa qua.
Hai em bé được can thiệp bào thai chào đời khỏe mạnh ngày 28-12.
Tại Việt Nam, trước đây, những thai phụ mắc các bệnh lý về bào thai phải chấp nhận hoặc thai nhi tử vong hoặc được chào đời thì cũng tật nguyền. Với quan niệm bào thai cũng chính là một bệnh nhân và phải điều trị khi có vấn đề bệnh lý, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối nhằm tăng cơ hội được cứu sống, điều trị cho các thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
Lần đầu tiên, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ
Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và triển khai toàn bộ phần mềm RAPID - phần mềm ứng dụng được phát triển bởi Đại học Stanford, Mỹ - trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới trong đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ. Việt Nam là nước đứng thứ 3 sau Thái Lan và Indonesia mua được bản quyền của phần mềm này.
Theo các chuyên gia, cứ mỗi phút trôi qua, sẽ có khoảng 1,9 triệu tế bào não tiếp tục bị hoại tử. Ngược lại, nếu được tái thông mạch máu kịp thời, các tế bào não trong “vùng tranh tối tranh sáng” sẽ có thể hồi phục nhanh chóng. Do đó, phần mềm ứng dụng này sẽ giúp xác định rõ thể tích vùng lõi hoại tử, thể tích nhu mô não có nguy cơ tổn thương, và hoại tử trong những giờ tiếp theo, giúp cho các bác sĩ chẩn đoán và can thiệp điều trị chính xác hơn.
“Vùng tranh tối tranh sáng” này không thể thấy được qua hình ảnh học thông thường. Phần mềm RAPID là giải pháp đã được chứng minh hiệu quả và độ chính xác qua các thử nghiệm lâm sàng và được FDA chấp thuận để sử dụng tại các trung tâm đột quỵ hàng đầu tại Mỹ. Cho đến nay, đã có trên 1.200 trung tâm đột quỵ sử dụng phần mềm RAPID trên toàn thế giới.
Lần đầu tiên, Việt Nam triển khai kỹ thuật phẫu thuật thần kinh thức tỉnh
Ngày 28-1 là một sự kiện đặc biệt đối với ngành y tế Việt Nam khi lần đầu tiên, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lập kỳ tích mới khi thực hiện ca phẫu thuật thức tỉnh cho một bệnh nhân bị u não dưới sự giúp đỡ của hai chuyên gia người Nhật Bản. Phương pháp này đã được các nước phát triển trên thế giới ứng dụng từ lâu, song tại Việt Nam đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện kỹ thuật này.
Trong quá trình mổ thức tỉnh, kíp mổ sẽ biết được vùng nào là vùng nhạy cảm của bệnh nhân thông qua giao tiếp để tránh xâm lấn vùng chức năng có thể gây tổn thương.
Đặc biệt, khi tiến hành mổ thức tỉnh sẽ giảm thiểu các di chứng của bệnh nhân trong phẫu thuật như liệt, rối loạn chức năng vận động, chức năng ngôn ngữ của bệnh nhân. Bệnh nhân sau mổ tỉnh táo hoàn toàn, sau phẫu thuật khoảng một tuần được ra viện. Đáng lưu ý chi phí mổ không hề cao hơn phương pháp kinh điển.
Lần đầu tiên, bệnh viện tuyến tỉnh ghép thận không cùng huyết thống
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thành công nhiều ca ghép thận bao gồm ghép thận cùng huyết thống và không cùng huyết thống nên người bệnh đã có nguyện vọng ghép thận.
Tuy nhiên, ngày 3-4-2019 đánh dấu một bước ngoặt lớn khi lần đầu tiên, các bác sĩ thực hiện ghép thận mà người nhận và người cho thận không cùng huyết thống và không cùng nhóm máu.
Ca ghép thận có sự tham gia của đội ngũ y, bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú thọ và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khoảng 3 tiếng tiến hành ghép thận, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, người bệnh đã xuất hiện nước tiểu ngay trên bàn mổ.